Lễ khai mạc có sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân; các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị lão thành cách mạng, đại biểu Quốc hội, các vị trong Đoàn ngoại giao và đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh tham dự lễ khai mạc.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp thứ 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục thể chế hóa các quy định của Hiến pháp 2013, hoàn thiện các quy định pháp luật về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu nền kinh tế, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng các đòi hỏi của tình hình mới. Do vậy, hoạt động lập pháp tiếp tục là nội dung trọng tâm của kỳ họp.
Quốc hội kỳ này sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 5 nghị quyết và cho ý kiến về 5 dự án luật khác.
“Các dự án luật được xem xét tại kỳ họp này đều là những văn bản quan trọng, được cử tri và xã hội quan tâm. Một số dự án liên quan đến quyền con người, quyền công dân, liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, điều hành kinh tế - xã hội. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, 13 dự án luật đã được chỉnh lý hoàn thiện, đáp ứng đủ các điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này” – bà Kim Ngân nhấn mạnh.
Trong số 13 dự án luật xem xét thông qua tại kỳ họp này có Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi), đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 8 tổ chức ngày 16/3.Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và hội trường trong phiên họp thứ hai Quốc hội khóa XIV về dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi (Dự thảo Luật), Ban soạn thảo (Bộ KH&CN) đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban KHCN và Môi trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu.
Các nhóm ý kiến lớn đã được tiếp thu giải trình gồm: Chính sách của Nhà nước về chuyển giao công nghệ (CGCN) nói chung, chính sách của Nhà nước về CGCN với lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, các biện pháp khuyến khích CGCN, thẩm định công nghệ trong các dự án đầu tư, hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng đổi mới công nghệ, và quản lý nhà nước trong hoạt động CGCN cùng với một số nội dung khác.
Cụ thể, dự thảo Luật trước đó có 7 chương, 62 điều, nay đã xem xét thay thế 11 điều cũ bằng cách bổ sung 8 điều mới, điều chỉnh, ghép thêm 3 điều và rút đi 1 chương, điều chỉnh lại kết cấu và cho đến nay đã đảm bảo bao quát được toàn bộ phạm vi điều chỉnh chính sách của Nhà nước trong hoạt động CGCN.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá: Dự thảo lần này và báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý đã tiếp thu rất tốt hầu hết các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cụ thể, trong phần đầu về chính sách của Nhà nước đã khái quát đầy đủ được các chủ trương của Nhà nước nhằm đẩy mạnh hoạt động CGCN. Nhiều cơ chế, chính sách, quy định mới tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động CGCN. Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng sau khi luật này ra đời, hoạt động CGCN sẽ tốt hơn, việc phát triển thị trường công nghệ sẽ đi nhanh hơn.