Tuyến bus điện này gồm 48 xe, mỗi xe có sức chứa 68 chỗ, kết nối với mạng xe bus thủ đô với tần suất 10-15 phút/chuyến, với 3 tuyến chính là tuyến E03 (Mỹ Đình - Nguyễn Chí Thanh - Ocean Park), tuyến E01 (Mỹ Đình - Nguyễn Trãi - OceanPark) và tuyến E05 (Long Biên - Cầu Giấy - Smart City). Giá vé lượt là 7.000-9.000 đồng.
Theo các nhà sản xuất, xe bus điện được trang bị camera, thiết bị chống ngủ gật kiểm soát hành vi của người lái; bảng điện tử hướng dẫn thông tin cho hành khách đi xe, cổng sạc USB, WIFI miễn phí. Ngoài sử dụng vé giấy, hành khách có thể
mua thẻ/vé điện tử thanh toán qua cổng thanh toán quốc gia Napas.
Mạng lưới xe bus của thủ đô hiện có 140 tuyến, với trên 208.000 xe chạy bằng dầu diesel hoặc khí nén CNG. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, Hà Nội phấn đấu đạt mục tiêu từ 5 - 20% số xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch (khí nén CNG, động cơ điện).
Phát biểu tại lễ khai trương, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch Hà Nội, nói rằng các tuyến bus điện với nhiều ứng dụng công nghệ tiên tiến và hệ thống vé điện tử sẽ góp phần xây dựng hệ thống giao thông xanh, thân thiện và phát triển hơn của thủ đô.
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Nhật, Tổng giám đốc Vinbus cho rằng hệ thống bus điện sạch sẽ, ít ồn ào, bụi bặm sẽ giúp người dân có cái nhìn thiện cảm hơn, từ đó sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn.
Sau khi mở 3 tuyến trên, Vinbus dự kiến mở thêm 6 tuyến bus điện kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng chung của thành phố trong năm 2022.
Xe Vinbus là mẫu xe buýt điện đầu tiên của Việt Nam do công ty VinFast sản xuất. Xe sử dụng pin dung lượng 281kWh, có khả năng di chuyển tối đa 220-260km và sạc đầy sau hơn 2 giờ tại hệ thống trạm sạc nhanh.
Để xây dựng hệ thống trạm sạc rộng khắp, vào tháng 11/2020, VinFast đã kí kết
thỏa thuận hợp tác với Star Charge, một startup thành lập cuối năm 2014 có trụ sở tại Dương Châu (Trung Quốc), hiện là đối tác cung cấp công nghệ sạc điện cho nhiều hãng xe lớn trên thế giới như Audi, BMW, Honda, Nissan, Hyundai...