Ở Đông Nam Á, việc giảm phát thải thường được nêu ra như một lợi ích đi kèm chứ không phải ưu tiên hành động được vạch ra từ đầu.

Một số nước Đông Nam Á đang cam kết giảm phát thải ròng thí nhà kính | Nguồn: Shutterstock
Một số nước Đông Nam Á đang cam kết giảm phát thải ròng khí nhà kính | Ảnh minh họa: Shutterstock

Tại Hội nghị COP26 vừa diễn ra ở Glasgow, Việt Nam đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng carbon bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050 và chuyển đổi từ điện than sang điện sạch để có thể loại bỏ điện than vào những năm 2040. Đồng thời, Việt Nam thông báo sẽ tăng nhanh tỷ lệ năng lượng tái tạo lên 20% tổng nguồn cung sơ cấp vào năm 2030 và đạt 30% vào năm 2045.

Các nền kinh tế quan trọng như Indonesia, Thái Lan, Philippines cũng lần lượt đưa ra các cam kết giảm phát thải và loại bỏ than ở nhiều mức độ khác nhau trong vòng 20-50 năm tới.

Giảm phát thải như một lợi ích đi kèm

Phải thừa nhận rằng cách giảm phát thải của Đông Nam Á không giống như các nước phát triển. Trong khi những nước giàu đang bàn về những giải pháp công nghệ tiên tiến để tái sử dụng, lưu trữ carbon và công cụ tài chính cho các dự án đầu tư ít phát thải hơn, thì những chính sách khử carbon ở Đông Nam Á chủ yếu gồm các biện pháp giảm nhiên liệu hóa thạch, cải thiện hiệu quả sử dụng nhiên liệu, điện khí hóa các ngành công nghiệp và đẩy mạnh trồng rừng.

Và việc giảm phát thải thường được nêu ra như một lợi ích đi kèm chứ không phải ưu tiên hành động được vạch ra từ đầu. Có thể thấy rõ điều này trong việc bùng nổ điện mặt trời ở Việt Nam.: chỉ trong 2 năm, từ chỗ gần như không có, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có công suất điện mặt trời lớn nhất khu vực và thế giới.

Mấu chốt ở đây là từ năm 2015, sản xuất nhiên liệu hóa thạch trong nước không theo kịp tiêu thụ để phục vụ phát triển kinh tế khiến Việt Nam buộc phải chuyển sang nhập khẩu nguyên liệu thô để cung cấp năng lượng cho lưới điện. Khi một quốc gia bắt đầu phụ thuộc vào nguồn cung biến động bên ngoài cho một mặt hàng thiết yếu như điện, các nhà lãnh đạo phải nghiêm túc nghĩ về việc chuyển sang năng lượng tái tạo và đưa ra những chính sách tập trung mạnh mẽ.

Tương tự, Thái Lan dự định chỉ bán các loại xe không phát thải vào năm 2035 và trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về sản xuất xe điện. Lý do đằng sau động thái này là thủ đô Bangkok nổi tiếng với tình trạng ô nhiễm không khí và gặp rất nhiều áp lực từ phía người dân. Trong nỗ lực giảm ô nhiễm và cải thiện sức khỏe cộng động, Thủ tướng Thái Lan đã kêu gọi nhiều hành động, bao gồm việc chuyển sang phương tiện giao thông công cộng và các phương tiện ít phát thải hơn.

Tháng 10 năm ngoái, Philippines là quốc gia đầu tiên trong khu vực tuyên bố đình chỉ các dự án điện than chưa thực hiện và tìm cách đạt được tỷ lệ 35% năng lượng tái tạo vào năm 2030. Trên thực tế, quyết định áp đặt chính sách dừng các dự án điện than ở Philippines dựa trên nhu cầu cải thiện tính linh hoạt, độ tin cậy và tính bền vững của hệ thống điện. Nước này nhận ra rằng việc xây dựng các nhà máy điện than mới sẽ gây mất ổn định hơn cho hệ thống điện do dư thừa công suất của các công nghệ thiếu linh hoạt ở nhà máy điện than.

Indonesia cũng đã thông qua chính sách ngừng điện than tương tự vào năm 2021. Các quan chức chính phủ hiện đang thảo luận về nguồn tài chính bù đắp cho việc các nhà máy điện than dừng hoạt động trước thời hạn vào giai đoạn 2040. Bước đi này liên quan đến những lo ngại về sức khỏe công cộng do ô nhiễm không khí gây ra bởi các nhà máy cũvà một số yếu tố kinh tế khác.

Ở các nước kể trên, những vấn đề như ô nhiễm không khí, ổn định lưới điện, an ninh lương thực hay tạo công ăn việc làm thường không liên quan trực tiếp đến chính sách khí hậu mà được coi là các vấn đề độc lập. Chỉ mỗi việc loại bỏ các nhà máy điện than được xem như đi liền với Net Zero, nhưng từ bỏ điện than đi kèm với nhiều bài toán phức tạp hơn chỉ đơn giản là đóng cửa các nhà máy bởi nó liên quan đến các câu hỏi: lựa chọn nguồn năng lượng nào để thay thế mà vẫn đảm bảo an ninh năng lượng; liệu có thể dỡ bỏ trợ cấp điện than và tăng giá điện; làm sao để chuyển đổi mô hình kinh tế của những địa phương đang sống nhờ vào ngành than?

Hệ thống điện mặt trời áp mái tại một trang trại ở Bình Thuận | Ảnh: Moitruong.net
Hệ thống điện mặt trời áp mái tại một trang trại ở Bình Thuận | Ảnh: Moitruong.net


Cơ hội chuyển đổi

Trong báo cáo "Beyond Net Zero" vừa công bố ngày 17/11 của dự án Năng lượng sạch, giá cả phù hợp và bền vững cho các quốc gia Đông Nam Á (CASE) được thực hiện ở 4 nước Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan, các nhà nghiên cứu lập luận rằng kế hoạch bảo vệ khí hậu của Đông Nam Á có thể được thực hiện một cách hiệu quả, kịp thời và bền vững hơn nếu chúng được tích hợp vào quy hoạch phát triển tổng thể của quốc gia trong dài hạn.

Điều đó có nghĩa là các nước Đông Nam Á cần nhìn nhận việc giảm phát thải trong mọi lĩnh vực của đời sống, không chỉ là năng lượng; và phải tích hợp việc giảm phát thải vào trong cách chúng ta xây nhà, đi lại và ăn uống. Người dân sẽ phải chuyển từ dùng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo, từ bỏ xe chạy bằng xăng dầu và chuyển sang xe điện hoặc xe đạp, sử dụng các chất liệu thời trang bền vững hơn, số hóa dữ liệu giấy tờ, đi lại bằng máy bay ít hơn và thậm chí là ăn ít thịt đỏ hơn.

Theo đánh giá của CASE, một chiến lược quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính là điện khí hóa nền kinh tế. Đây là cơ hội để các nước Đông Nam Á chuyển mình sang một nền kinh tế mới dựa trên điện - sử dụng điện sạch trực tiếp (đối với xe điện, hoạt động sưởi ấm và làm mát, robot, v.v) hoặc gián tiếp (dùng hydro hoặc nhiên liệu tổng hợp được điện phân từ điện tái tạo). Nó sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho tất cả mọi người, đồng thời vẫn làm giảm phát thải. Lộ trình chuyển sang xe điện vào năm 2035 của Thái Lan có thể coi là động thái “một mũi tên trúng nhiều đích” như vậy.


Báo cáo“Beyond Net Zero”của dự án CASE đưa ra 6 điểm “bắc cầu” để các nước Đông Nam Á lưu ý và liên kết các mục tiêu phát triển với mục tiêu giảm phát thải, bao gồm:

• Nhận thức về sự cộng hưởng: Các hành động vì mục tiêu phát triển và mục tiêu khí hậu khi được tích hợp với nhau sẽ đạt kết quả lớn hơn tổng giá trị và hiệu suất của từng loại khi chúng hoạt động riêng biệt.

• Tăng cường giảm phát thải: Tận dụng các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội để đạt được giảm thiểu tác động của khí hậu.

• Mở khóa tài chính: Cải cách để chuyển hướng và mở rộng quy mô các gói tài chính quốc tế.

• Vai trò lãnh đạo của doanh nghiệp: Các tập đoàn có cam kết năng lượng sạch và vận tải ở Đông Nam Á đang gây áp lực lên các chính phủ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng.

• Tránh mắc kẹt trong nhiên liệu hóa thạch:Ba nước Việt Nam, Philippines và Indonesia vẫn sẽ phải đưa ít nhất 44 GW điện than vào hoạt động trong vòng 10 năm tới. Các nước cần hiểu rõ những nguy cơ kinh tế của việc tiếp tục sử dụng điện than và đánh giá các lựa chọn thay thế.

• Điện khí hóa nền kinh tế: Đầu tư sớm vào điện khí hóa cho các ngành khớp nối như giao thông, công nghiệp, xây dựng để tạo dựng một nền kinh tế dựa trên điện.

Báo cáo được soạn thảo bởi các chuyên gia địa phương đến từ những tổ chức nghiên cứu độc lập về khí hậu và năng lượng tại 4 nước cùng với các chuyên gia quốc tế tại Viện NewClimate và tổ chức Agora Energiewende; và được chính phủ Đức tài trợ thông qua tổ chức GIZ.