Những cái tên hàng đầu trong làng công nghệ Việt Nam hiện nay như Aimesoft, Beetsoft, Asilla, ELSA, Ignite, Pixta, OSAM, Renova, Amazon User Group, Wisami, Devwork, FUNix, Nexus FrontierTech và VAIS đều mang tới Vietnam Frontier Summit 2019 những sản phẩm AI độc đáo.
Ngày 06/10, Vietnam Frontier Summit 2019 với chủ đề “Intelligence in Motion” được tổ chức bởi rubikAI, Nexus FrontierTech và VTV24. Sự kiện thu hút gần 20 doanh nghiệp công nghệ sáng giá, ba sân khấu thảo luận với sự góp mặt của 36 diễn giả là các chuyên gia, kĩ sư AI đầu ngành trong và ngoài nước.
Nhiều chủ đề liên quan đến AI được đưa ra bàn luận, từ vấn đề số hóa hoạt động chính phủ đến sâu sát hơn trong cơ cấu tổ chức, vận hành của doanh nghiệp chuyển đổi số; từ ứng dụng AI trong các lĩnh vực, ngành nghề đến tiềm năng của thế hệ trẻ tại Việt Nam trong công cuộc đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực.
Aimesoft giới thiệu sản phẩm tại VFS2019. Aimesoft chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo đa thể thức, sử dụng nhiều nguồn dữ liệu (văn bản, tiếng nói, ảnh, số liệu) và nhiều thuật toán xử lý thông minh được kết hợp lại để giải quyết các bài toán phức tạp và đạt được độ chính xác cao. Các bài toán này thường không giải quyết được nếu chỉ dùng một trong các nguồn dữ liệu và thuật toán xử lý đơn lẻ.
Tại Khu Triển lãm (Exhibition Zone), những cái tên hàng đầu trong làng công nghệ Việt Nam hiện nay như Aimesoft, Beetsoft, Asilla, ELSA, Ignite, Pixta, OSAM, Renova, Amazon User Group, Wisami, Devwork, FUNix, Nexus FrontierTech và VAIS đều mang tới những sản phẩm AI độc đáo.
Bên cạnh các sản phẩm về nhận diện gương mặt như "chấm công bằng gương mặt" BiFace tại gian booth của Beetsoft và sản phẩm camera nhận diện hành động bất thường của Asilla, các sản phẩm về nhận diện giọng nói, chữ viết cũng rất được chú ý tại khu vực Gian triển lãm của sự kiện lần này như VAIS - doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực nhận dạng tiếng nói Tiếng Việt hay ELSA mang tới ứng dụng luyện phát âm dựa trên công nghệ Trí tuệ nhân tạo với khả năng sửa phát âm chuẩn đến từng âm tiết.
Đồng thời diễn ra tại Khu triển lãm là các hoạt động Sân khấu Cộng đồng (Community Talks) với sự xuất hiện của đại diện từ Pixta, Mì AI Blog và AWS User Group - giới thiệu và chia sẻ kiến thức xung quanh Trí tuệ Nhân tạo với nhiều chủ đề đa dạng như: Image-to-Image Translation, Xây dựng chatbot bằng RASA, v...v…
Các diễn giả Danny Goh, CEO Nexus FrontierTech,Sang Shin, giám đốc kỹ thuật Temasek vàErnest Xue, CEO Slate Alt (từ trái sang) thảo luận tại phiên đầu tiên của Sân khấu mở.
Tại phiên thảo luận đầu tiên của Sấu khấu Mở (Open Stage), ông Danny Goh, CEO của Nexus FrontierTech bày tỏ sự tin tưởng vào thế hệ kỹ sư AI mới tại Việt Nam và mong muốn phát triển cộng đồng công nghệ Việt Nam.
Trước câu hỏi “Ai sẽ tạo ra lợi nhuận trong hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo?”, các diễn giả Danny Goh, Ernest Xue, CEO của Slate Alt - một nền tảng đầu tư và gây quỹ tập trung vào đổi mới công nghệ và Sang Shin, giám đốc kỹ thuật Temasek, đều nhận định rằng những doanh nghiệp mới, các công ty khởi nghiệp đang có cơ hội tạo ra lợi nhuận bằng cách cung cấp các ứng dụng công nghệ cho các doanh nghiệp truyền thống. Đồng thời Việt Nam là một điểm đến tiềm năng, và vấn đề là làm thế nào khai thác hết những tiềm năng này bằng cách phát triển nhân lực và chính sách cho các công nghệ tiên phong.
Sân khấu mở phiên chiều diễn ra với chủ đề "Công nghệ tiên phong trong công cuộc số hoá các hoạt động của chính phủ: Case Study tại Việt Nam". Diễn giả Hoàng Minh Thành từ VAIS và anh Hưng Nguyễn từ KardiaChain đều có cái nhìn lạc quan về tương lai số hóa các hoạt động chính phủ trong 5-10 năm tới khi chính phủ đã ra các thông tư trở thành quốc gia số với nền kinh tế số.
Anh Thành nhận định tại Việt Nam có rất nhiều số liệu chưa được số hóa, thực tế này là thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội lớn để phát triển công nghệ. Khi đưa ra đề xuất cho chính phủ trong công cuộc số hóa. Tuy nhiên theo anh Thành cũng cho rằng không nên “đi quá nhanh” và “quá sáng tạo” vì thể chế và chính sách cũng cần phải bắt kịp.
Các diễn giả Nguyễn Tiến Cường, kỹ sư VNPT, Oliver Tan,giám đốc điều hành Visenze và Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shoppee tại Sân khấu doanh nghiệp.
Với sự góp mặt của những chuyên gia hàng đầu đến từ Deloitte, PAT Consulting, VNPT IT, Sân khấu doanh nghiệp (Deep-dive Stage for Biz) thảo luận về một dạng tài sản quan trọng của doanh nghiệp trong thời đại công nghệ: dữ liệu. Muốn áp dụng AI thì doanh nghiệp trước tiên cần có dữ liệu và hệ thống để quản lý những dữ liệu này, theo ông Oliver Tan, giám đốc điều hành Visenze, lưu ý.
Đồng tình với ông Oliver, anh Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành Shopee, đã chia sẻ về cách Shopee tận dụng dữ liệu trong logistic, chăm sóc khách hàng, chatbot. Nói về chiến lược dữ liệu cho doanh nghiệp Việt ứng dụng AI, ông Phí Anh Tuấn, giám đốc PAT Consulting, cũng cho rằng dữ liệu không chỉ là chìa khoá để chuyển đổi mà chính là tài sản của doanh nghiệp. Bằng việc tối đa hoá nguồn dữ liệu doanh nghiệp có rất nhiều cơ hội để ứng dụng AI vào các hoạt động sản xuất, logistic, banking…
Sân khấu Lập trình Chuyên sâu (Deep-dive Stage for Tech) thảo luận bật mí nền tảng công nghệ đằng sau nhiều sản phẩm thành công. Nguyễn Việt Thái, giám đốc công nghệ Asilla, nói về ứng dụng của Hệ thống nhận diện hoạt động con người (HAR) tại các địa điểm công cộng như nhà ga, bệnh viện... để nhận diện các hành động bất thường của con người để đưa ra hướng xử lý phù hợp.
Trước rất nhiều ứng dụng tiềm năng, Hajime Hotta, đồng sáng lập Nexus FrontierTech lưu ý 2 nhân tố chính tạo nên thành công trong xây dựng hệ thống AI, chính là việc quản lý dự án hiệu quả và nền tảng công nghệ ổn định.