Trong số đó, Bộ NN&PTNT và Bộ GTVT chiếm 80% tổng ngân sách cho biến đổi khí hậu, với các khoản chi tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như thủy lợi và giao thông. Các Bộ khác có cơ cấu chi cho biến đổi khí hậu đa dạng hơn, bao gồm các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ và kết hợp cả hai.
Theo báo cáo, Việt Nam đã phân bổ ngày càng nhiều nguồn lực tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổng chi ngân sách cho BĐKH của 6 bộ và 29 tỉnh, thành phố được khảo sát trong giai đoạn 2016-2020 là gần 6,5 tỷ USD, bao gồm cả chi đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước và Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA). Tính trung bình, mỗi năm Việt Nam chi khoảng 1,3 tỷ USD ngân sách cho biến đổi khí hậu.
Ở cấp tỉnh, ngân sách bình quân cho biến đổi khí hậu tăng đều trong các năm và chiếm tỷ trọng tương đối ổn định, dao động trong khoảng 16% - 21% trong tổng ngân sách cấp tỉnh. Mức chi đã tăng từ khoảng 700 triệu USD năm 2016 lên gần 1,1 tỷ USD năm 2020. Chi tiêu cho biến đổi khí hậu của các tỉnh thường tập trung chủ yếu vào các can thiệp cụ thể, ví dụ như lương thực, thực phẩm và nước, nước biển dâng, và phát triển rừng.
Báo cáo cũng đánh giá mối liên hệ giữa ngân sách cho biến đổi khí hậu với các chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh, kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris và nhiều kế hoạch hành động cấp tỉnh liên quan khác. Các nhà nghiên cứu phát hiện, cần chú trọng việc mã hóa nhằm đảm bảo công tác theo dõi tài chính khí hậu thường xuyên và có hệ thống. Đồng thời kiến nghị các cơ quan ở Việt Nam cần loại bỏ các báo cáo rà soát hồi cứu và chuyển sang một hệ thống theo dõi chi tiêu khí hậu được tích hợp vào trong các hệ thống lập kế hoạch và lập ngân sách.