Triển lãm quốc tế và hội nghị khoa học lần thứ 5 về điều khiển và tự động hóa VCCA 2019 là dịp kết nối nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp, đồng thời thể hiện đúng đắn vai trò của tự động hóa trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước.

Sự kiện do Hội Tự động hóa Việt Nam chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội diễn ra từ ngày 4-7/9 tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội với 3 hoạt động chính: hội nghị khoa học, triển lãm quốc tế và diễn đàn doanh nghiệp.

Tham gia VCCA 2019 có 200 gian hàng của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia... trưng bày các sản phẩm công nghệ mới, công nghệ cao trong lĩnh vực chiếu sáng thông minh, nông nghiệp thông minh, tiết kiệm năng lượng, năng lượng mới, phương tiện giao thông, ô tô xe máy điện, tự động hóa trong các ngành công nghiệp phụ trợ... Nhiều cá nhân, tổ chức có nhu cầu tìm kiếm sản phẩm hoặc khảo sát thị trường trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa đã đến tham quan triển lãm.

Anh Trần Văn Bá (Công ty Hàn Mỹ Việt) giới thiệu sản phẩm đồng hồ đo các chỉ số của Hàn Quốc với công nghệ mới giúp điều khiển đồng thời cả nhiệt độ và độ ẩm.

Anh Nguyễn Bá Công, công ty Farmland đang giới thiệu sản phẩm khóa chống trộm cho xe máy, sử dụng công nghệ nhận diện bằng sóng điện tử. Hiện nay, ở Việt Nam chỉ có 3 công ty là Farmland, Honda và SE làm chủ được công nghệ này.

Thông qua triển lãm, anh Lê Trọng Sơn, Giám đốc một công ty chuyên cung cấp các sản phẩm, dịch vụ chăm sóc xe máy, ô tô ở Hà Nội đã tìm được sản phẩm dầu nhớt với công nghệ phụ gia nano của công ty Hoàng Phú, giúp tăng độ bền cho động cơ và giảm tiêu hao nhiên liệu 20%.

Anh Nguyễn Mạnh Tuân, Giám đốc công ty TĐA (Hải Phòng) chuyên cung cấp các sản phẩm công nghệ xử lý môi trường, giới thiệu về miếng thấm dầu dùng cho tàu thuyền, cửa hàng xăng dầu,… để xử lý sự cố tràn dầu.



Ông Đỗ Văn Tụ, một người có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực cơ khí và đã từng tham dự triển lãm VCCA các năm trước, đánh giá cao chất lượng các sản phẩm trưng bày trong triển lãm năm nay. "Tôi rất thích tham dự các triển lãm như thế này, mặc dù triển lãm lần này có vẻ ít người hơn nhưng lại có nhiều sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ mới", ông Tụ cho biết. Trong ảnh: Ông Tụ quan sát sản phẩm mô tơ động cơ 3 pha của Thụy Sỹ, được sử dụng trong các loại máy nghiền và các máy công nghiệp khác.

Phát biểu tại hội nghị, TS.Dương Nguyên Bình - Phó Chủ tịch thường trực của Hội Tự động hóa Việt Nam, Trưởng ban tổ chức VCCA 2019, nhấn mạnh: sự kiện nhằm liên kết hiệu quả giữa 3 nhà – nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp trong lĩnh vực điều khiển và tự động hóa, thể hiện đúng đắn vai trò của tự động hóa trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước - giai đoạn chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo trong cộng đồng khoa học và tạo cơ sở cho hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Ban tổ chức còn hỗ trợ các nhóm nghiên cứu trẻ độc lập, đam mê nghiên cứu khoa học, có sản phẩm ứng dụng thực tiễn tốt và đang mong muốn thương mại hóa sản phẩm, hoặc có mục tiêu khởi nghiệp nhưng hạn chế về tài chính, về kênh kết nối thông tin, giới thiệu sản phẩm của mình tại triển lãm.

Lê Quý, nhà sáng lập TNE, một startup trong lĩnh vực mô hình đồ chơi giới thiệu mô hình xe ô tô làm từ gỗ Birch với hệ thống truyền động ròng rọc bên trong. Toàn bộ sản phẩm đều do đội ngũ TNE tự thiết kế và đã được đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp ở Cục Sở hữu trí tuệ.