Nhờ khoa học kỹ thuật, loại rau rừng dạ hiến (bò khai) đặc sản Cao Bằng đang được sản xuất với quy mô ngày càng nhân rộng theo các tiêu chuẩn VietGap, được kỳ vọng sẽ góp phần làm giàu cho người dân.
Rau quý sẽ dần bớt hiếm
Là huyện nằm ở phía đông tỉnh Cao Bằng, Quảng Uyên có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông n ghiệp. Ngoài cây lương thực sử dụng chủ yếu cho gia đình, người dân địa phương đã bắt đầu tiếp cận với những loại cây trồng theo phương thức sản xuất hàng hóa như mía, thuốc lá, sắn. Tuy nhiên, huyện chưa tìm ra loại cây thực sự có thế mạnh phù hợp với điều kiện tự nhiên và đem lại hiệu quả kinh tế cao, có thể làm giàu cho người dân địa phương.
Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Cao Bằng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất rau dạ hiến theo hướng VietGap quy mô nông hộ tại huyện Quảng Uyên”.
Dạ hiến là một loại rau rừng quý có hương vị đặc trưng, là đặc sản Cao Bằng rất được ưa chuộng ở các nhà hàng tại Hà Nội. Loài cây này chủ yếu mọc trong điều kiện tự nhiên tại các chân núi, sườn núi đá vôi, phân bố rải rác tại các huyện trong tỉnh, lượng thu hái ít ỏi không đáp ứng được nhu cầu của người sành ăn. Tuy nhiên, nhờ khoa học kỹ thuật, rau dạ hiến đang được nhân rộng hiệu quả theo hướng VietGap
Sau 3 năm thực hiện đề tài, mô hình vườn ươm nhân giống được xây dựng tại xã Phúc Sen với quy mô 10.000 cây.
Mô hình trồng mới quy mô nông hộ cũng được phát triển tại 50 hộ gia đình với diện tích quy đổi 5ha (5.000 cây), tỷ lệ sống đạt khoảng 80%, cây sinh trưởng và phát triển bình thường. Đến năm thứ ba sau khi trồng, cây dạ hiến bắt đầu cho thu hoạch.
Việc xây dựng mô hình thâm canh dạ hiến theo tiêu chuẩn VietGAP cũng đã được triển khai tại hai xã Phúc Sen và Quốc Dân. Nhóm thực hiện đề tài chú trọng việc thiết kế mẫu mã sản phẩm, đăng ký chứng nhận là rau an toàn, đặc biệt là việc lựa chọn đơn vị doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, giúp ổn định đầu ra cho người dân. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác nhân rộng mô hình của người dân địa phương.
Giá trị kinh tế 80 triệu đồng/ha
Là cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, ông Phùng Văn Sướng - chủ nhiệm tổ hợp tác sản xuất rau dạ hiến - mong muốn sau khi đề tài kết thúc, Sở KH&CN, lãnh đạo huyện, xã và đơn vị bao tiêu tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân mở rộng diện tích trồng, tập huấn kỹ thuật và chăm sóc rau dạ hiến theo tiêu chuẩn VietGap, ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Theo ông Sướng, việc thâm canh dạ hiến theo tiêu chuẩn VietGap mặc dù là phương thức canh tác mới, nhưng về lâu dài sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, do sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn khắt khe, đáp ứng được yêu cầu về vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Để rau dạ hiến thực sự trở thành hàng hóa, cạnh tranh tốt trên thị trường, trước mắt cần tăng cường tuyên truyền kết quả của đề tài, thay đổi phương thức sản xuất, tiếp tục tập huấn cho người dân về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau dạ hiến theo đúng quy trình VietGap, kiểm soát chặt chẽ cả về nguồn gốc và chất lượng.
Từ những hiệu quả thiết thực mà mô hình mang lại, người dân có thể mạnh dạn áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất tại nông hộ, qua đó tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có tính cạnh tranh và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế của sản phẩm trên thị trường.
Bà Hoàng Thị Hiếu - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Uyên - cho biết: Trong thời gian tới, Quảng Uyên sẽ xây dựng vùng sản xuất rau dạ hiến tập trung trên địa bàn xã Phúc Sen, Quốc Dân, Đoài Khôn, Quốc Phong và thị trấn Quảng Uyên. Năm 2016, diện tích trồng khoảng 10ha, thành lập thêm 2 tổ hợp tác sản xuất rau dạ hiến theo hướng VietGap. Đến năm 2020, diện tích trồng rau dạ hiến của toàn huyện sẽ đạt từ 50ha trở lên, giá trị kinh tế đạt trên 80 triệu đồng/ha mỗi năm…
Rau dạ hiến mang lại giá trị kinh tế cao hơn các cây khác nhờ sức mọc mầm lớn, có thể thu hoạch quanh năm nếu thực hiện đúng quy trình chăm sóc, bón phân, tưới nước… mà người dân đã được phổ biến theo kết quả đề tài nghiên cứu kể trên.
Đặc biệt, việc hướng dẫn họ thâm canh cây dạ hiến theo hướng VietGap sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị và tăng cao hơn nữa hiệu quả kinh tế, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng hợp lý và bền vững nguồn tài nguyên tại địa phương. Kết quả đề tài cũng khẳng định vai trò của việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho người dân.