Được biết, giải thưởng Nagamori dành cho các nhà nghiên cứu, kỹ sư thuộc các trường đại học của Nhật Bản và thế giới hoặc thuộc các công ty, tổ chức... có thành tựu xuất sắc trong các lĩnh vực động cơ và truyền động, phát điện... Về phần mình, PGS.TS. Tạ Cao Minh trong thời gian từ 2001-2004 đã từng làm việc tại Nhật Bản và có đến 14 sáng chế đăng ký tại đây, trong đó 12 sáng chế tiếp tục được cấp bằng tại Mỹ/châu Âu
Phát minh quan trọng nhất của PGS. TS Minh là phương pháp điều khiển "giả vec-tơ" (pseudo vector control - PVC) cho động cơ một chiều không chổi than BLDC - loại động cơ có dạng dòng điện vuông. Phương pháp PVC cho phép biến dòng điện vuông thành dạng hình thang, do vậy giảm thiểu được các nhấp nhô mô-ment có nguồn gốc từ việc chuyển mạch tức thì. Phương pháp này có ý nghĩa rất quan trọng với các ứng dụng có yêu cầu chất lượng cao, như hệ thống trợ lực vô lăng ôtô dùng động cơ điện. Nhờ đó loại động cơ này có thể đạt được chất lượng tương đương động cơ xoay chiều dòng điện hình sin, là loại động cơ có giá thành cao hơn.
Trước khi làm việc tại Phòng nghiên cứu - phát triển (R&D) của Công ty Trợ lực Vô-lăng thuộc tập đoàn NSK, PGS. TS Minh đã có 3 năm nghiên cứu tại các trường đại học của Nhật và có nhiều kết quả quan trọng: Đầu tiên là công trình nghiên cứu Điều khiển thang máy không dây sử dụng động cơ đồng bộ tuyến tính, tại đại học Kyushu, Nhật Bản, trong thời gian 1 năm (1998-1999), ngay sau khi ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ tại Canada vào cuối năm 1997. Hệ thống thí nghiệm (mô hình thang máy cao 4 m) đã được lắp đặt trước đó vài năm và chưa vận hành, nhưng sau 6 tháng, TS Minh đã điều khiển thành công. Việc điều khiển từ trường cho phép nâng hạ buồng thang mà không cần dùng tới dây kéo. Điều này có ý nghĩaquan trọng với các tòa nhà chọc trời, khi trọng lượng dây cáp trở nên rất lớn. Nhà khoa học Việt còn giải quyết một vấn đề khó khăn của điều khiển chuyển động cho hệ truyền động thang máy là tính bền vững dưới tác động của nhiễu tải. Tên của ông hiện được lưu trong kỷ yếu của Đại học Kyushu như một nhà khoa học nước ngoài xuất sắc đã làm việc tại trường.
Tiếp theo, tại Đại học Tokyo (1999-2001), ông có 2 công trình lớn: Điều khiển tối ưu hiệu suất động cơ điện không đồng bộ sử dụng "tỷ lệ vàng" và Điều khiển động cơ không dùng cảm biến tốc độ (sensorless control). Công trình tối ưu hiệu suất được trao giải Nhì của phân ban Truyền động điện sau Hội nghị quốc tế của IEEE về năng lượng tại Italy năm 2000 vì tính hiệu quả và tiết kiệm năng lượng..
Theo Ban tổ chức giải thưởng Nagamori 2017, ngoài PGS.TS. Tạ Cao Minh, còn có 7 nhà nghiên cứu khác đoạt giải thưởng Nagamori năm nay gồm 6 nhà khoa học Nhật Bản và 1 của Thái Lan. Mỗi người đoạt giải sẽ nhận phần thưởng 1 triệu yên (khoảng 205 triệu đồng). Trong thời gian tới, Ban tổ chức giải sẽ chọn ra từ danh sách trên người chiến thắng chung cuộc, chủ nhân của giải Grand Nagamori (Giải thưởng lớn Nagamori). Tên của người đoạt giải này sẽ được công bố trong đêm trao giải với phần thưởng là 5 triệu yên (khoảng hơn 1 tỷ đồng).
Theo Đại Học Bách Khoa Hà Nội, giải thưởng này ghi nhận xứng đáng những
thành quả xuất sắc của PGS.TS. Tạ Cao Minh đối với sự nghiệp khoa học
thuộc lĩnh vực động cơ điện và truyền động điện. Đồng thời, đây cũng là
niềm vinh dự và tự hào của Đại Học Bách Khoa Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói
chung.
Giải thưởng này thuộc Quỹ Nagamori -
mang tên người sáng lập, Chủ tịch và Giám đốc điều hành Tập đoàn Nidec
của Nhật Bản. Ông cũng là một trong những nhà sản xuất động cơ điện hàng
đầu thế giới. Giải thưởng Nagamori được trao thường niên từ năm 2015
cho những nhà khoa học xuất sắc tại Nhật Bản và trên thế giới trong lĩnh
vực thiết kế, điều khiển động cơ điện và những công nghệ có liên quan.
Năm
đầu tiên 2015, giải thưởng được trao cho 3 nhà khoa học Nhật Bản và 3
nhà khoa học Áo, Đài Loan (Trung Quốc) và Thụy Sĩ. Giải thưởng năm 2016 được trao cho
5 nhà khoa học Nhật Bản và 1 nhà khoa học Hà Lan (gốc Nga).