Sau các hoạt động hợp tác thành công trong nghiên cứu từ năm 2019, hai bên tiếp tục ký thỏa thuận triển khai chương trình cử nhân 2+2 áp dụng cho năm học 2022-2023.

d
Một sinh viên quốc tế trải nghiệm mô hình buồng lái do MAI phát triển tại một buổi triển lãm vào tháng 7/2021. Ảnh:Moscow Aviation Institute

Được thành lập từ năm 1930, Học viện Hàng không Moskva (MAI) có hơn hơn 60 lĩnh vực đào tạo cho các chương trình cử nhân và thạc sỹ về hàng không và chế tạo tên lửa, điều khiển học kỹ thuật, vô tuyến điện tử và hệ thống liên lạc, hệ thống rô bốt, công nghệ vật liệu hiện đại. Trước đây MAI tập trung chủ yếu vào kỹ thuật máy bay và trực thăng, còn hiện nay, học viện này đã trở thành một trường tổng hợp bách khoa hàng không vũ trụ, đào tạo nguồn nhân lực phạm vi rộng cho nhiều tổ chức khoa học và thiết kế dự án trong lĩnh vực hàng không, tên lửa và vũ trụ.

MAI có hơn 120 phòng thí nghiệm hiện đại, ba phòng thiết kế sinh viên, các trung tâm máy tính, nhà máy chế thử – thực nghiệm và đặc biệt, MAI là trường đại học duy nhất trên thế giới có sân bay riêng. Trong số các sinh viên đã tốt nghiệp tại MAI, có gần 120 tổng công trình sư và thiết kế trưởng, gần 50 viện sĩ và viện sỹ thông tấn của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, 21 phi hành gia vũ trụ (cosmonauts) đã làm việc trong không gian với thời gian tổng cộng hơn 12 năm.

Trước đó, vào năm 2019, MAI và Trường ĐHCông nghệ đã ký các thỏa thuận hợp tác về đào tạo và nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ hàng không vũ trụ. Trong đó, MAI sẽ hỗ trợ Viện Hàng không Vũ trụ thuộc Trường ĐH Công nghệ thiết kế và chế tạo thiết bị bay không người lái trong khuôn khổ dự án Nghị định thư "Máy bay cánh quạt không người lái phục vụ các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy hải sản". Cũng trong sự kiện đó, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn (khi đó là Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội) đã đề nghị phía MAI xem xét hợp tác trong xây dựng chương trình đào tạo lĩnh vực kỹ thuật hàng không, lĩnh vực quản lý và khai thác hàng không theo hình thức học tập tại Việt Nam và có khoảng thời gian thực tập tại Liên bang Nga. "Hợp tác với cơ sở đào tạo về kỹ thuật hàng không vũ trụ hàng đầu thế giới là cơ hội phát triển thuận lợi cho Viện Hàng không Vũ trụ nói riêng và ĐH Quốc gia Hà Nội nói chung", ông nhận định.

Sau 3 năm, đề xuất này đã được hiện thực hoá, hai bên mới đây đã tiếp tục ký thỏa thuận triển khai chương trình cử nhân 2 + 2 áp dụng cho năm học 2022-2023. Trong mô hình này, hai năm học đầu sinh viên sẽ được đào tạo tại Trường ĐH Công nghệ, còn hai năm cuối học tại cơ sở của MAI tại Liên bang Nga (học bằng tiếng Anh). Mục tiêu của Chương trình là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, đáp ứng thị trường lao động trong và ngoài nước của ngành Hàng không Vũ trụ.

Những sinh viên hoàn thành chương trình đào tạo 2 năm theo quy định tại Trường ĐH Công nghệ và đáp ứng đủ tiêu chuẩn của MAI về tiếng Anh và bài kiểm tra đầu vào sẽ được chuyển tiếp sang MAI để học tiếp 2 năm và nhận bằng tốt nghiệp Cử nhân Kỹ thuật hàng không của MAI. Sinh viên tốt nghiệp sẽ có khả năng nghiên cứu, thiết kế và phát triển các sản phẩm liên quan trong lĩnh vực hàng không; vận hành, bảo dưỡng và sửa chữa thành thạo các loại tàu bay, có cơ hội làm việc tại các công ty về Hàng không hàng đầu thế giới.

Học phí của chương trình được tính theo học phí của Trường ĐH Công nghệ trong hai năm đầu, hai năm sau sinh viên học ở MAI sẽ được tính theo học phí dành cho sinh viên quốc tế của MAI.

Tính đến tháng 12/2021, có hơn 100 sinh viên Việt Nam đang theo học tại MAI. Việt Nam là một trong 3 quốc gia có nhiều du học sinh nhất ở học viện này.

Nguồn: