Các nhà khoa học Việt Nam, Úc, Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan v.v. đã phối hợp với nhau để lập bản đồ những mối đe doạ mà các loại cây gỗ Hồng tại sáu quốc gia đang phải đối mặt - như khai thác gỗ, lhỏa hoạn, buôn bán và biến đổi khí hậu.
Gỗ Hồng (Rosewood) hay còn được gọi là Hồng Mộc được xếp vào nhóm gỗ quý hiếm, cấm khai thác và cần được bảo tồn tại một số nước. Các loại gỗ Hồng Đông Nam Á đã nằm trong Danh sách Đỏ các loài bị đe dọa của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên (IUCN) và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).
Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, buôn gỗ Hồng là hình thức buôn bán thực vật bất hợp pháp sinh lợi nhất, vượt xa ngà voi về mặt giá trị thương mại. Gỗ Hồng ở châu Á rất đa dạng về loài do các quần thể đã thích nghi với nhiều loại môi trường trên khu vực sông Mekong mở rộng. Nếu không được bảo vệ, sự đa dạng di truyền độc đáo của chúng rất dễ biến mất.
Để xác định những yếu tố ảnh hưởng đến sự tồn tại này, TS. Trần Thị Hoa (Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và An toàn sinh học, Di truyền và Bảo tồn rừng, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và các đồng nghiệp đã khảo sát các mối đe doạ, xác định những khu vực ưu tiên bảo tồn và phục hồi các loài gỗ Hồng trong Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, bao gồm Campuchia, Trung Quốc, CHDCND Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Nghiên cứu tập trung vào ba loài gỗ Hồng sắc Châu Á (Dalbergia spp.) có giá trị cao, gồm gỗ hồng Xiêm, gỗ trắc đen Miến Điện và gỗ trắc Miến Điện. Xuyên suốt 75% diện tích trồng bản địa, 3 loại loài cây này đều đang phải đối mặt với ít nhất một trong năm mối đe doạ: khai thác quá mức, cháy rừng, chăn thả gia súc quá mức (overgrazing - hiện tượng xảy ra khi thảm thực vật tiếp xúc với việc chăn thả thâm canh trong thời gian dài, hoặc không có đủ thời gian để phục hồi), chuyển đổi môi trường sống và biến đổi khí hậu. Trong đó, khai thác quá mức là mối đe dọa lớn nhất (53 - 60%), tiếp theo là chuyển đổi môi trường sống (17 – 41%) và cháy rừng (20 – 28%).
Nhóm thiết lập bản đồ bằng cách chạy các bộ dữ liệu cập nhật gần đây theo từng yếu tố rủi ro, ngoại trừ mức độ ảnh hưởng biến đổi khí hậu - sử dụng các dự báo khí hậu năm 2055. Các bản đồ minh họa những khu vực phù hợp với việc bảo tồn tại chỗ, các hoạt động phục hồi.
“Phương pháp tiếp cận này sẽ bổ sung thông tin cho các nghiên cứu thực địa. Nó đặc biệt hiệu quả cho các vùng nhiệt đới nơi có sự đa dạng loài cao và nơi hoạt động bảo tồn còn hạn chế”, Riina Jalonen (Đại học Putra Malaysia), đồng tác giả nghiên cứu, cho biết.
Xa hơn, mô hình này có thể giúp các nhà lập kế hoạch bảo tồn ưu tiên các nỗ lực như phục hồi, bảo tồn cả rừng và đất nông nghiệp, đồng thời đo lường mức độ hiệu quả trong các nỗ lực của họ. Không chỉ cây gỗ Hồng, các nhà quản lý “có thể áp dụng mô hình này vào việc bảo tồn các loài cây khác trong khu vực”, nhóm nghiên cứu cho hay.
Hiện tại, chỉ một phần nhỏ số cây gỗ Hồng Châu Á ở trong các khu bảo tồn, số còn lại nằm bên ngoài khu vực bảo tồn và đang dần biến mất. Chris Kettle (Khoa Khoa học Hệ thống Môi trường, ETH Zürich, Thuỵ Sĩ) cho biết nhóm nghiên cứu mong muốn thu hút sự tham gia góp sức bảo vệ sự đa dạng cây trồng của người dân địa phương. “Chúng ta cần hỗ trợ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, tăng độ che phủ của cây trong trang trại của họ, tăng cường đa dạng sinh học, thúc đẩy nền nông nghiệp xanh”. Sản xuất hạt giống và cây giống của cây gỗ Hồng có là nguồn thu nhập bổ sung đầy tiềm năng cho người nông dân, vì tiền lãi cho việc trồng loài cây này tăng nhanh và một kg hạt giống có thể lên tới 250 USD.
Nguồn: