Đặc biệt ưu tiên tiếp tục cân đối, bố trí bổ sung nguồn vốn thực hiện một số dự án quan trọng, cấp bách giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong đó có thực hiện các Đề án phát triển cây dược liệu trên địa bàn vùng.
Khoa học công nghệ vào cuộc phát triển sản phẩm dược liệu
Theo điều tra sơ bộ, vùng Tây Bắc bao gồm 14 tỉnh có hơn 1.500 loài dược liệu quý tập trung tại một số tỉnh trọng điểm như Lai Châu (450 loài), Điện Biên (562 loài), Sơn La (535 loài), Hà Giang (625 loài). Nhiều loài dược liệu quý hiếm (như bảy lá một hoa, Sâm Lai châu, Tam thất hoang, Hoàng liên ô rô) đã và đang được bảo tồn và phát triển. Nhiều bài thuốc dân gian, gia truyền có giá trị cao trong điều trị bệnh ở người được lưu truyền trong đồng bào dân tộc, là nguồn tri thức bản địa vô cùng quý giá.
Có thể nói, tiềm năng phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở vùng Tây Bắc là rất lớn, cần được quan tâm đầu tư phát triển. Chính vì vậy, thời gian qua, Bộ KH&CN đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đại học Quốc gia Hà Nội và các địa phương trong việc hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng KH&CN để phát triển dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng.
Vùng trồng trinh nữ hoàng cung theo tiêu chuẩn GACP của Công ty TNHH Thiên Dược.
Ảnh: Thu Hằng
Các đề tài, dự án này thông qua các Chương trình KH&CN cấp quốc gia như Chương trình bảo tồn và phát triển bền vững nguồn gene đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025; Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc giai đoạn 2013-2018. “Qua đó, hàng chục loài dược liệu đã được nghiên cứu, bảo tồn và phát triển theo chuỗi giá trị từ khâu chọn, nhân giống, trồng, chăm sóc, thu hoạch và chế biến dược liệu” – Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết.
Cũng thông qua các đề tài, dự án, nhiều tiến bộ KH&CN đã được triển khai thông qua các nhiệm vụ KH&CN để phát triển hàng hóa từ dược liệu một cách đồng bộ, toàn diện, xuyên suốt chuỗi giá trị của sản phẩm từ khâu giống đến vùng nguyên liệu, chiết xuất và bào chế, tiêu chuẩn hóa và nâng cấp tiêu chuẩn, đánh giá hiệu quả của sản phẩm nhằm tạo được các sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao từ dược liệu Việt Nam.
Triển khai giải pháp toàn diện
Đánh giá cao tiềm năng dược liệu cũng như sự vào cuộc của KH&CN đối với các sản phẩm từ dược liệu tại vùng Tây Bắc, song ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng thời là Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng, hiện ngành dược liệu chưa trở thành ngành kinh tế tương xứng với tiềm năng, số lượng các doanh nghiệp dược còn ít, đa số quy mô còn nhỏ, năng suất thấp, chưa có vị thế trong sản xuất, xuất khẩu, năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu còn nhiều hạn chế, do “Hiện các vùng trồng dược liệu quy mô lớn còn ít, các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ còn lỏng lẻo, KH&CN chưa được đầu tư bài bản; mặt bằng kỹ thuật nuôi trồng dược liệu còn thấp...” – ông Bình nói.
Vì vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị các địa phương vùng Tây Bắc cần tập trung triển khai các giải pháp toàn diện và đồng bộ đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện tại Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, liên kết và hợp tác chặt chẽ với các nhà khoa học và người dân để tập trung nguồn lực khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên dược liệu vùng Tây Bắc, giữ gìn, phát huy giá trị vốn tri thức truyền thống về sử dụng cây thuốc của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc, hướng tới mục tiêu phát triển dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa của Việt Nam có chất lượng cao và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới.