Có thể thấy tại huyện Hoà Vang, Thành phố Đà Nẵng hội tụ đủ tiềm năng và triển vọng để phát triển hai loài dược liệu nghệ vàng và đinh lăng.
Dự án: “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất dược liệu nghệ vàng và đinh lăng tại huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng” thuộc chương trình: Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội 2016 – 2025 (Chương trình Nông thôn – Miền núi) đã bước vào thực hiện từ tháng 10/2016. Dự án sẽ trồng mô hình vườn giống gốc và vườn ươm cây giống. Cụ thể trước mắt sẽ trồng 2ha nghệ vàng và đinh lăng, 2ha vườn ươm giống.
ThS Phan Hiền Lương -Tổng Công ty cồ phần Dược Danapha - Phó chủ nhiệm, Thư ký dự án cho biết, dự án được triển khai tại Hòa Vang là vì, tại đây điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đất đai phù hợp với trồng cây nghệ vàng và đinh lăng.
Cùng với đó, địa phương cũng có đội ngũ cán bộ kỹ thuật của huyện và xã cũng như hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật của đơn vị chuyển giao công nghệ, đơn vị chủ trì dự án sẽ đủ khả năng, điều kiện tiếp thu và làm chủ qui trình công nghệ được chuyển giao, hoàn thành tốt các công việc của dự án.
Thực tế, việc sản xuất 02 loài dược liệu nghệ vàng và đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP (thực hành trồng trọt tốt - thu hái) của WHO là nhu cầu bức xúc của ngành Dược Việt Nam hiện nay, nhằm đưa việc sản xuất dược liệu theo hướng hàng hoá, qui mô công nghiệp với chất lượng cao và an toàn.
"Nhận ra nhu cầu, đòi hỏi thực tế về 02 loài dược liệu nghệ vàng và đinh lăng trong những năm gần đây và trong tương lai, nhưng hiện nay tại TP Đà Nẵng chưa có đơn vị, cá nhân nào quan tâm đầu tư, cung cấp giống tốt, đúng chủng loài, chuyển giao công nghệ nhân giống, trồng trọt, chăm sóc, thu hái, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn GACP-WHO 02 loài dược liệu trên nhằm tạo ra sản phẩm dược liệu có chất lượng cao, giá thành hợp lý cung cấp cho các đơn vị dược phẩm, y học cổ truyền trong khu vực và cả nước" - ông Lương cho biết và khẳng định dự án được triển khai sẽ đáp ứng từ khâu sản xuất giống, bảo quản giống tại chỗ. Đồng thời các tiến bộ kỹ thuật sẽ được chuyển giao toàn bộ từ khâu nhân giống, nuôi trồng, chăm sóc, thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO tới các hộ gia đình tham gia.
“Chúng tôi hiện đã phối hợp với một tổ hợp tác về dược liệu, ký hợp đồng với khoảng 10 hộ dân. Sau đó cung cấp cây giống, phân bón, kỹ thuật, quy trình chăm sóc cho bà con. Trong toàn bộ quá trình từ khâu chuẩn bị đất, đến kỹ thuật trồng, chăm sóc đều có cán bộ kỹ thuật theo sát. Chúng tôi cũng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân nên bà con yên tâm sản xuất” – ông Lương cho biết.
Theo yêu cầu đặt ra, trong 42 tháng kể từ khi bắt đầu triển khai dự án, cơ quan chủ trì phải trồng 10ha dược liệu và xây dựng được quy trình từ trồng trọt, chăm bón tới thu hoạch, bảo quản dược liệu.
Ông Nguyễn Quang Trị - Chủ tịch HĐQT Công Cp Dược Danapha – Chủ nhiệm dự án, cho biết, hiện Danapha đã hoàn thành đầu tư xây dựng một nhà máy chiết xuất, sản xuất thuốc đông dược đạt chuẩn GMP –WHO hiện đại, hoàn thiện từ khâu đầu sơ chế, chế biến dược liệu, chiết xuất, bào chế đến thành phẩm. Đồng thời đầu tư nhiều máy móc thiết bị hiện đại như hệ thống sắc ký khí khối phổ GCMS, hệ thống sắc ký lỏng siêu hiệu năng (RHPLC), máy quang phổ hồng ngoại (FTIR) …… và đào tạo nguồn nhân sự có chuyên môn cao, kỹ năng tốt cho phòng kiểm tra chất lượng (Đạt liêu chuẩn GLP “Thực hành tốt phòng kiểm tra chất lượng”.
Với sự đầu tư và chuẩn bị hạ tầng, công nghệ như vậy là sơ sở cho việc đảm bảo cho đầu ra của nguồn dược liệu được thực hiện trong dự án.