Nghị định mới ban hành hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra quy định về các cách phản ứng nếu môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng, bao gồm tạm dừng việc học và sinh hoạt tập trung ngoài trời cho trẻ em.
Trong
Nghị định 08/2022/NĐ-CP mới ban hành để hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường mới, Chính phủ cho phép địa phương tổ chức thực hiện các biện pháp khẩn cấp khi chỉ số chất lượng không khí (VN_AQI) trung bình ngày đo ở các trạm quan trắc có giá trị từ 301 trở lên trong 3 ngày liên tiếp. Theo đó, chính quyền có thể thực hiện 4 biện pháp cấp bách:
- Hạn chế, tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian hoạt động của những cơ sở sản xuất xả thải lớn, thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường;
- Hạn chế hoặc phân luồng các phương tiện giao thông đường bộ;
- Tạm dừng các hoạt động tập trung đông người ngoài trời;
- Tạm dừng hoặc điều chỉnh thời gian làm việc của các cơ quan, tổ chức, trường học.
Trong trường hợp chất lượng môi trường không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng trên phạm vi liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, Thủ tướng sẽ chỉ đạo các biện pháp ứng phó.
Ô nhiễm không khí tăng cao trong ngắn hạn có thể làm trầm trọng hơn 'bệnh nền' và suy giảm sức khỏe ở các nhóm nhạy cảm. Một
nghiên cứu ở Hà Nội cho thấy khi nồng độ PM2.5 trong không khí cùng ngày tăng thêm mỗi 10μg/m3 thì số trẻ em nhập viện do các bệnh hô hấp cũng tăng lên 2,2%.
Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây của Trường Đại học Y tế Công cộng
ước tính rằng nếu phơi nhiễm với ô nhiễm không khí do bụi PM2,5 trong thời gian dài thì mỗi năm Hà Nội sẽ có khoảng 2.800 ca tử vong sớm do ô nhiễm không khí, 1.000 ca nhập viện tăng thêm do bệnh tim mạch và 2.900 ca nhập viện tăng thêm do bệnh hô hấp. Tuổi thọ trung bình của người dân cũng giảm đi khoảng 2,49 năm.
Việt Nam đã có quy định thời tiết lạnh dưới 10 độ C thì học sinh tiểu học và mầm non được nghỉ học. Nghị định mới này hứa hẹn một cách tiếp cận tương tự đối với ô nhiễm không khí.
"Tôi rất mừng vì đã có những quy định cho phép con em mình nghỉ học hoặc để nhà trường hạn chế các hoạt động ngoài trời trong những ngày ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Một số nước như Thái Lan, Ấn Độ đã đưa ra các quy định tương tự, và giờ là Việt Nam", chị Bích Hạnh, một phụ huynh có con học lớp 2 ở Thanh Xuân (Hà Nội) chia sẻ.
Nhưng chị cũng băn khoăn, "Các con vẫn phải chịu ô nhiễm 2-3 ngày rồi mới được nghỉ học. Sẽ tốt hơn nếu chúng ta có thể dự báo ô nhiễm không khí trước 2-3 ngày và quy định những biện pháp ứng phó tương tự cho các dự báo đó."
Về vấn đề này, một nhóm các nhà vận động chính sách thuộc tổ chức phi chính phủ nói với Khoa học & Phát triển rằng họ từng góp ý nội dung tương tự cho Dự thảo Nghị định năm ngoái nhưng rất tiếc chưa được đưa vào. Họ hi vọng trong tương lai Việt Nam sẽ hoàn thiện hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí và có những quy định ứng phó khẩn cấp mới dựa trên kết quả dự báo ô nhiễm không khí.
Ngô Hà