Ngày 19/9, Kỳ họp thứ 11 của HĐND TPHCM khóa X đã thông qua Nghị quyết thành lập Sở An toàn Thực phẩm Thành phố, theo quy định của Nghị quyết 98/2023/QH 15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố.
Sở An toàn thực phẩm được thành lập trên cơ sở tổ chức của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, sau thời gian thực hiện thí điểm từ đầu năm 2017. Đây sẽ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TPHCM, có chức năng tham mưu, giúp UBND Thành phố quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Cơ quan này còn có một số chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm,… Ngoài ra, Sở còn có chức năng cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TPHCM, mà trước đó được quy định cho Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương thực hiện.
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm TPHCM, trong 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm từ các món ăn như chả trứng hấp thịt, bánh mì, chả lụa,… làm hơn 50 người phải nhập viện.
Bên cạnh đó, Thành phố cũng đã thanh tra, kiểm tra hơn 21.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Kết quả, phát hiện gần 3.000 cơ sở vi phạm, xử phạt 638 cơ sở với tổng số tiền 13,4 tỉ đồng. Bên cạnh đó còn tịch thu hơn 13 tấn đường cát, tiêu hủy 29.235 đơn vị sản phẩm và 4,5 tấn sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Thành phố cũng đã rà soát 7.200 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phát hiện 78 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm và chuyển bộ phận thanh tra theo dõi, xử lý.
Việc thành lập sở chuyên ngành nhằm ngăn chặn, giải quyết dứt điểm, căn cơ tình trạng không đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn; đồng thời khắc phục những bất cập, rào cản trong phối hợp liên ngành trong quá trình kiểm tra, xử lý về an toàn thực phẩm.
Như vậy, TPHCM là địa phương đầu tiên trên cả nước có Sở An toàn thực phẩm.
Từ 1/1/2024, Sở sẽ chính thức có hiệu lực và đi vào hoạt động.
Thạch Thảo