Trong năm 2023, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã thẩm định và trình Bộ KH&CN công bố 663 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN, tăng 34% so với năm 2022.
Đây là một trong những kết quả nổi bật được báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng nhiệm vụ năm 2024 do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL - Bộ KH&CN) tổ chức vào ngày 21/12.
“Trong năm 2023, Tổng cục đã có một số điểm nhấn về công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng và năng suất… Đơn cử như xác định bảy nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong khuôn khổ chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, nổi bật trong số đó là xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến phát triển bền vững, tiêu chuẩn gắn với chứng nhận xanh… Ngoài ra, chiến lược cũng hướng đến xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm của các địa phương”, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp phát biểu tại hội thảo.
Những kết quả này đã thể hiện rõ qua số lượng tiêu chuẩn được xây dựng trong năm vừa qua.
Cụ thể, Tổng cục đã tổ thẩm định và trình Bộ KH&CN công bố 663 TCVN, tăng 34% so với năm 2022. Các tiêu chuẩn đều bám sát định hướng đề ra trong chiến lược. Chẳng hạn về tiêu chuẩn liên quan đến phát triển xanh và bền vững, nổi bật là TCVN 13694:2023 được công bố vào tháng 6/2023 về cấp phối tái chế từ chất thải rắn xây dựng làm lớp móng đường giao thông đô thị. Hoặc một số tiêu chuẩn tập trung vào các lĩnh vực công nghệ trọng điểm như TCVN 7447-7-722:2023 về hệ thống lắp đặt điện hạ áp làm nguồn cấp cho xe điện; TCVN 13078-25:2023 về hệ thống sạc điện có dây dùng cho xe điện; TCVN 13724-7:2023 về cụm đóng cắt và điều khiển hạ áp dùng cho các ứng dụng đặc biệt như bến du thuyền, khu vực cắm trại, khu vực chợ và trạm sạc xe điện.
Ngoài tiêu chuẩn, công tác quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa - một trong những hoạt động trọng tâm của Tổng cục, cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo tổng kết, năm 2023, Tổng cục đã hướng dẫn các bộ, ngành, Chi cục TCĐLCL địa phương, các doanh nghiệp và cá nhân thực hiện đầy đủ quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, giải quyết kịp thời các vướng mắc trong quá trình triển khai, áp dụng liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp và quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là sản phẩm hàng hóa nhóm 2 (sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) do Bộ KH&CN quản lý.
Có thể thấy rõ điều này qua số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp, tư vấn ISO trong cơ quan hành chính, pha chế xăng dầu, vận chuyển hàng nguy hiểm năm 2023 đã tăng 50% so với năm 2022, đạt 1210 hồ sơ, trong đó 755 hồ sơ đã được giải quyết xong, 375 hồ sơ đã có công văn trả lời và 80 hồ sơ đang giải quyết.
Đáng chú ý, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, trong năm 2023, Tổng cục còn được giao sửa đổi, bổ sung hai luật: Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Cả hai dự án đang được tiến hành theo đúng tiến độ, đến nay, hồ sơ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định, còn hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã hoàn thiện đúng thời hạn (trước ngày 1/11/2023), trình Lãnh đạo Bộ ký trình Chính phủ và hiện nay, đang tiếp tục hoàn thiện (theo ý kiến của Chính phủ tại Nghị quyết số 203/NQ-CP ngày 1/12/2023).
Việc sửa đổi hai luật trên được kỳ vọng sẽ khắc phục được những vướng mắc trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như hoạt động chứng nhận, thử nghiệm và giám định. “Những bất cập tiêu biểu như chồng chéo về quản lý chất lượng; chưa có cơ chế thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp giữa các bộ ngành, chấp nhận kết quả đánh giá sự phù hợp tại nước ngoài; chưa có quy định cách xử lý, xác định thử nghiệm kiểm chứng; chưa quy định quản lý hoạt động đào tạo đánh giá sự phù hợp”, bà Nguyễn Thị Mai Hương Vụ trưởng Vụ Đánh giá hợp chuẩn hợp quy (Tổng cục TCĐLCL) phát biểu. “Do vậy, chúng tôi đề xuất sửa đổi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa bao gồm các nội dung chính sau: rà soát các quy định trong Luật để sửa đổi, bổ sung phù hợp với các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; thay đổi cách thức quản lý đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp; bổ sung quy định quản lý hoạt động đào tạo đánh giá sự phù hợp; bổ sung nội dung quy định về hạ tầng chất lượng quốc gia…”.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định đánh giá cao những kết quả mà Tổng cục đã đạt được trong năm qua. Để tiếp tục phát huy vai trò của tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng với kinh tế - xã hội, Thứ trưởng nhấn mạnh Tổng cục cần tập trung vào năm định hướng lớn trong năm 2024: (1) đánh giá, rà soát và hoàn thiện thể chế, hành lang pháp lý về tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng; (2) xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia theo định hướng mới; (3) hoàn thiện và xây dựng kế hoạch triển khai một số đề án, đặc biệt là Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác TCĐLCL, đề án chuyển đổi số ngành TCĐLCL đến năm 2030; (4) tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; (5) triển khai hiệu quả các chương trình đề án đã được phê duyệt như Chương trình 1322 về nâng cao năng suất chất lượng, Đề án 100 về truy xuất nguồn gốc, Đề án 996 về đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp…