Các thành phố trực thuộc Trung ương dẫn đầu về tỷ lệ học sinh học qua internet (86,5%) và trên truyền hình (87,5%). Trong khi đó, tỷ lệ này dưới 50% thuộc về khu vực miền núi phía Bắc, trung du phía Bắc và Bắc Trung Bộ.



Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị. Ảnh: moet.gov.vn


Theo thông tin từ Bộ GD&ĐT, chiều 3/6, Bộ đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 63 Sở GD&ĐT và 34 trường đại học về đánh giá chất lượng dạy học qua internet và trên truyền hình trong thời điểm cả nước phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Nhìn lại hơn 4 tháng triển khai dạy học từ xa với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cho biết, các cơ sở giáo dục đã tổ chức tốt việc dạy học qua internet, trên truyền hình cho tất cả đối tượng học sinh. Các Sở GD&ĐT tích cực đóng góp bài giảng, tham gia xây dựng nội dung dạy học trên truyền hình với sự thẩm định và lựa chọn nội dung của Bộ.

Kết quả, 324 bài học đã được phát trên kênh VTV7 và kênh K+. Các thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM, Cần Thơ) dẫn đầu về tỷ lệ học sinh học qua internet (86,5%) và trên truyền hình (87,5%). Riêng ở Hà Nội, từ 98% đến 100% học sinh tham gia học trên truyền hình, học trực tuyến và học trên phần mềm. Tiếp đó là các địa phương ở khu vực đồng bằng sông Hồng, Tây Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tỷ lệ học sinh học qua internet và trên truyền hình dưới 50% thuộc về khu vực miền núi phía Bắc, trung du phía Bắc và Bắc Trung Bộ; nguyên nhân chủ yếu do khó khăn về hạ tầng, cơ sở vật chất.

Học trực tuyến không phải là giải pháp tạm thời

“Dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu nhưng làm bài bản, rộng khắp thì đây là lần đầu tiên làm được. Mặc dù vừa qua là giai đoạn khó khăn đối với ngành giáo dục nhưng cũng chưa bao giờ lại có cơ hội như vừa rồi để ứng dụng công nghệ trong dạy và học” - website Bộ GD&ĐT dẫn nhận định của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại Hội nghị. "Ngành giáo dục coi đây là cơ hội để quyết tâm đẩy nhanh chuyển đổi số. Quá trình triển khai dạy và học trực tuyến vừa qua khẳng định ngành giáo dục có nhiều tiềm năng, thế mạnh để tiên phong ứng dụng công nghệ. Đồng thời, khẳng định phương thức dạy học trực tuyến không chỉ là giải pháp tạm thời trong mùa dịch mà còn là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học; qua đó giải phóng năng lượng lớn cho giáo viên, giảm tải các thủ tục hành chính, nhiều kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ, nâng lên.”

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng cho biết, hiện nay, Bộ GD&ĐT đang tổ chức thí điểm mô hình dạy học trực tuyến tại 5 tỉnh với khoảng 20 trường học, qua đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. "Tới đây triển khai chương trình Giáo dục phổ thông mới, môn Tin học sẽ được đưa vào giảng dạy bắt buộc từ lớp 3, cùng tiếng Anh, chúng ta tin rằng sẽ có những thế hệ công dân toàn cầu với năng lực cạnh tranh tốt".

Về trách nhiệm quản lý, theo Bộ trưởng, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành quy chế chính thức về dạy và học trực tuyến ở bậc phổ thông, trong đó có tổ chức đánh giá và công nhận kết quả. Việc thu học phí đối với phương thức dạy học trực tuyến cũng sẽ được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch.