Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết mức độ vi nhựa có trong nước uống hiện nay không phải là điều đáng lo ngại. Tuy vậy, tổ chức này cũng khuyến cáo cần có thêm nghiên cứu về tác hại của vi nhựa đối với sức khỏe con người.

Mới đây, trong báo cáo đầu tiên của tổ chức này về các nguy cơ đối với sức khỏe do tiêu hóa vi nhựa, WHO đã tổng hợp kết quả của nhiều nghiên cứu khoa học và đưa ra kết luận như trên.


Vi nhựa sinh ra khi các vật liệu nhân tạo phân hủy. Cơ quan quốc gia về Khí quyển và Đại dương Mỹ đã xếp tất cả các mảnh, mẩu, hạt nhựa có kích thước dưới 5 mm vào dạng vi nhựa, nhưng phần lớn các mối đe dọa đến sức khỏe con người tập trung vào những hạt nhựa nhỏ li ti.

Báo cáo của WHO kết luận rằng cần tập trung nghiên cứu về các hóa chất dùng làm phụ gia trong sản xuất nhựa và hậu quả khi những hạt vi nhựa nhỏ li ti xâm nhập vào các mô trong cơ thể.

Hầu hết các hạt nhựa trong nước có đường kính lớn hơn 150 micromet và do cơ thể bài tiết ra. Tuy nhiên, theo báo cáo của WHO, những hạt nhỏ hơn thế mới có thể thẩm thấu qua ruột và đi vào các mô. Hiện nay mới có rất ít bằng chứng cho thấy những vi hạt này thẩm thấu ra sao, tác động của chúng như thế nào; và chúng ta cần có thêm nhiều thông tin hơn nữa về vấn đề này – bà Jennifer De France, một trong số các tác giả của báo cáo cho biết.

Theo WHO, các nước trên thế giới nên chú ý hơn nữa vào việc nghiên cứu và xử lý các vấn đề do vi sinh vật có hại trong nước uống gây ra, những vi sinh vật nay mỗi năm khiến gần 500.000 người chết do tiêu chảy.

Mặc dù đưa ra báo cáo có vẻ đi ngược xu hướng quan tâm của cộng đồng hiện nay, WHO cũng khẳng định rằng người tiêu dùng va chính phủ các nước cần phải nỗ lực hơn nữa để giảm việc sử dụng nhựa nói chung để bảo vệ môi trường.

Theo một nghiên cứu trước đây của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên hoang dã quốc tế (WFF), một số người có thể bị nhiễm đến 5 gram nhựa mỗi tuần, tức là bằng lượng nhựa của một chiếc thẻ tín dụng. Nghiên cứu này cũng cho biết nguồn nhựa lớn nhất xâm nhập vào cơ thể là nước uống. Bên cạnh đó, ăn các loại hải sản có vỏ cứng cũng là một đường hấp thụ nhiều vi nhựa vào cơ thể.

Vi nhựa có thể phát tán vào khí quyển và bay đi rất xa, tới tận những nơi xa xôi hẻo lánh trên Trái Đất, kể cả Bắc Cực.