Chính phủ Nhật Bản dự kiến đưa thêm 7,5 tỷ yên (gần 71 triệu USD) vào dự toán ngân sách năm 2020 để phổ biến hệ thống kiểm soát cung cầu điện tạo ra từ nguồn tái tạo.
Nhằm cải tiến các biện pháp đối phó với sự nóng lên toàn cầu, chiến lược dài hạn của chính phủ Nhật Bản đặt ra mục tiêu vào năm 2050 sẽ đưa các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió trở thành các nguồn năng lượng chủ lực của quốc gia.
Tuy nhiên, điện năng do mặt trời và sức gió tạo ra phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Trong trường hợp điện năng dư thừa xảy ra, sự cân bằng cung cầu điện sẽ bị phá vỡ, dẫn đến mất điện trên quy mô lớn.
Ví dụ, ở đảo Kyushu, điện từ năng lượng mặt trời có thể tạo ra đang tăng với tốc độ 50.000 kilowatt mỗi tháng, và từ tháng 10 năm ngoái đã phải thực hiện các biện pháp “kiểm soát đầu ra” để tạm thời ngừng sản xuất.
Để năng lượng tái tạo có thể trở thành nguồn chủ lực, chính phủ cho rằng cần nhanh chóng loại bỏ sự bất ổn định này. Bộ Môi trường của nước này đã quyết định phổ biến hệ thống kiểm soát cân bằng cung cầu điện, theo đó pin lưu trữ của các tòa nhà hoặc bộ sạc của các thiết bị xe điện sẽ được kết nối với Internet, và khi điện năng trở nên dư thừa có thể điều khiển việc lưu trữ hoặc sạc điện từ xa.
Bộ Môi trường dự định sẽ trợ cấp một nửa chi phí cho các doanh nghiệp triển khai hệ thống, do vậy cần đưa thêm 7,5 tỷ yên vào dự toán ngân sách năm sau.
Ngô Hà (Theo NHK)