Sáng ngày 17/4, Bộ KH&CN phối hợp Bộ GD&ĐT và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức hội thảo “Định hướng nghiên cứu KH&CN và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.
Gần 20 viện, trường thuộc khối kỹ thuật, 25 doanh nghiệp bán dẫn, 30 cơ quan nhà nước thuộc các bộ, ngành, địa phương cùng hàng chục nhà khoa học, chuyên gia trong ngành cùng thảo luận về những giải pháp thúc đẩy ngành bán dẫn ở nhiều khâu trọng yếu: nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, phát triển nguồn nhân lực, nhu cầu của thị trường…
Khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Chiến lược phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 đã xác định “công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới. Thời gian qua, nhiều Chương trình KH&CN cấp quốc gia đã được xây dựng và bắt đầu triển khai nhằm cụ thể hóa Chiến lược, tiêu biểu là: Chương trình Sản phẩm quốc gia, chương trình KC 4.0/19-25 về các công nghệ tiêu biểu của cuộc CMCN 4.0, Chương trình KC.03/21-30 về cơ khí tự động hóa, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao…
Đóng góp ý kiến cho chiến lược phát triển bán dẫn, từ kinh nghiệm của một khu công nghệ cao thu hút phần lớn doanh nghiệp FDI, TS. Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM khẳng định thay vì trông chờ vào đầu tư FDI, chúng ta phải tự mình xây dựng năng lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Để làm được điều đó, từ khâu phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu và đào tạo lớn như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Bách khoa TPHCM, cho rằng cần tăng cường đầu tư vào các phòng sạch và đề xuất cơ chế phòng thí nghiệm dùng chung giữa nhiều viện, trường, tổ chức hoặc liên kết với doanh nghiệp tư nhân. Tại đây, các nghiên cứu có thể phục vụ cho cả mục tiêu trước mắt (như thiết kế các mạch IoT) cũng như các mục tiêu dài hạn (như nghiên cứu vật liệu bán dẫn mới).
Song song việc nghiên cứu, các cơ sở này tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, gồm: tập trung vào đào tạo ở bậc thạc sĩ/tiến sĩ nhằm xây dựng nền tảng nhân lực trình độ cao, đủ khả năng tham gia vào các khâu giá trị của ngành (điều mà Việt Nam đang thiếu vì mới chỉ đào tạo được các kỹ sư ở bậc đại học, do đó chỉ tham gia được vào các khâu “làm thuê” ít tính sở hữu hơn như thiết kế back-end); nâng cao năng lực của đội ngũ giảng viên (train the trainer); cải thiện cơ chế đồng đào tạo giữa viện, trường và doanh nghiệp để học viên có thể tham gia vào các dự án thực tiễn.
Điều này có thể sẽ góp phần giúp Việt Nam phần nào đạt được mục tiêu 50.000 kỹ sư cho ngành vi mạch bán dẫn vào năm 2030. Chính phủ đã ưu tiên nguồn lực tài chính cho đào tạo nguồn nhân lực ngành bán dẫn.
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo quốc gia (NIC), Bộ KH&ĐT vừa trình Chính phủ Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, ước tính sẽ đầu tư gần 26.000 tỷ đồng để triển khai các nhóm nhiệm vụ liên quan trong của Đề án.
Khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực bán dẫn, rất kỳ vọng vào các chính sách liên quan đến đầu ra cho sản phẩm bán dẫn. Họ chỉ ra rằng, để thúc đẩy ngành bán dẫn, chính phủ cần phát triển ngành công nghiệp điện tử nội địa để sử dụng các sản phẩm bán dẫn của Việt Nam.
Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp bán dẫn mong muốn Việt Nam có thể phát triển được một hoặc một vài sản phẩm quốc gia liên quan đến bán dẫn. Trong quá trình phát triển sản phẩm này, chính phủ có thể thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp nội địa và giúp họ nâng cao năng lực.
Do đó, trong tổng kết hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Hồng Thái nhấn mạnh sẽ thúc đẩy những chính sách KH&CN liên quan để đầu tư cho lĩnh vực này. Ông cho biết sẽ sớm đề xuất để đưa vi mạch bán dẫn vào trong danh mục các Sản phẩm quốc gia.