Đó là kết quả trích xuất từ một nghiên cứu mới, dựa trên khảo sát quốc gia về bệnh truyền nhiễm ở vùng dân tộc thiểu số, thực hiện trên 12 tỉnh thuộc bốn vùng: Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Công bố “
Self-reported Communicable Diseases and Associated Socio-demographic Status Among Ethnic Minority Populations in Vietnam” [Bệnh truyền nhiễm tự báo cáo và mối liên hệ với tình trạng nhân khẩu học ở các dân tộc thiểu số ở Việt Nam] trên tạp chí
Journal of Racial and Ethnic Health Disparities cho thấy, tỉ lệ bệnh truyền nhiễm tự báo cáo ở các nhóm dân tộc thiểu số được khảo sát là 5,7% (khoảng 5697 trường hợp trên 100.000 người). Tỉ lệ này vẫn cao gấp 4,5 lần so với tỉ lệ bệnh truyền nhiễm tự báo cáo trong cả nước (theo Niên giám Thống kê Y tế 2018, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nghiễm là 1280/ 100.000 dân).
Hiện nay, chỉ còn 4 bệnh thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm nằm trong 30 nguyên nhân gây gánh nặng bệnh tật và tử vong hàng đầu ở Việt Nam nhưng bệnh truyền nhiễm đang trở nên khó kiểm soát hơn và gây ra gánh nặng kinh tế lớn hơn do các yếu tố tác động biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, chi phí điều trị cao hơn do tình trạng kháng thuốc, kháng hóa chất mà không có phương pháp điều trị hoặc phòng ngừa hiệu quả. Do đó, việc nghiên cứu tình trạng bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm ở các vùng ít có khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, là rất cần thiết, để có các chính sách y tế công cộng phù hợp. Trong công bố trên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, “tỉ lệ tự nhận mình từng mắc bệnh truyền nhiễm ở những người dân tộc thiểu số tham gia nghiên cứu có thể thấp, vì thường người dân tộc thiểu số ít khi đi khám, ngay cả nơi gần nhất như trạm y tế xã, nên cũng ít được nhân viên y tế chẩn đoán hơn các dân tộc đa số. Người dân tộc thiểu số ít đi khám khi có triệu chứng do khó khăn tài chính, đường đến cơ sở y tế xa, đường đi khó khăn và nhiều rào cản khác”.
Giới y tế công cộng cũng đánh giá các yếu tố làm tăng gánh nặng bệnh truyền nhiễm gồm: các virus như lao, sốt rét và HIV sẽ tăng khả năng kháng thuốc; biến đổi khí hậu và thay đổi hệ sinh thái do đô thị hóa và công nghiệp hóa (đối với bệnh sốt rét, sốt xuất huyết); gia tăng tỷ lệ mắc bệnh trong cộng đồng (sốt xuất huyết); người dân giảm tiêm chủng; xuất hiện các bệnh mới nổi chưa có biện pháp phòng và điều trị, nguy cơ tử vong cao và diễn biến phức tạp… Vì những yếu tố này, các bệnh truyền nhiễm tiếp tục là vấn đề được quan tâm và thách thức đối với hệ thống y tế trong những năm tới.
Bảo Như