Việc tăng năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) có thể được coi là kết quả của sự cải tiến công nghệ sản xuất và tiến bộ công nghệ trong tăng trưởng kinh tế. Tại Việt Nam, TFP góp phần vào GDP tăng hơn 28% trong giai đoạn 2011-2015.


Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Quốc Khánh khẳng định điều này khi nói về việc xác định đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế.

Việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến sẽ giúp tăng năng suất lao động. Ảnh: T.Hiền
Việc ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến sẽ giúp tăng năng suất lao động. Ảnh: T.Hiền

Đóng góp của TFP vào GDP tăng hơn 28%

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng, TFP và năng suất lao động là 2 chỉ tiêu quan trọng đối với nền kinh tế, trong đó KH&CN có tác động chủ đạo đối sự với tăng trưởng của các yếu tố này.

Ở đây, đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế được biểu hiện thông qua chỉ số năng suất yếu tố tổng hợp - TFP, trong đó TFP được tính bằng lượng giá trị gia tăng trên một đơn vị tổng hợp các yếu tố đầu vào là vốn và lao động. Nếu nguồn lực (vốn và lao động) không thay đổi, nhưng tạo ra được giá trị đầu ra lớn hơn thì phần lớn hơn đó đến từ việc cải tiến năng suất dựa trên ứng dụng công nghệ tiên tiến và mức gia tăng hiệu quả sử dụng, hoặc sử dụng thiết bị và lao động tốt hơn.

Ở cấp độ nền kinh tế, TFP được đánh giá dựa trên hai chỉ số chính là tốc độ tăng TFP và tỉ trọng đóng góp của tốc độ tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế. Tại Việt Nam, con số của Tổng cục Thống kê chỉ rõ, đóng góp của TFP vào GDP tăng hơn 28% trong giai đoạn 2011-2015.

“Con số này cho thấy KH&CN đã góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Số liệu điều tra cũng chứng minh, nếu doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho KH&CN thì năng suất lao động có thể cao gấp 1,5-2 lần so với doanh nghiệp ít quan tâm” - ông Tuấn nói.
Đồng tình với việc coi đầu tư cho KH&CN là “chìa khóa vàng” để cải thiện kinh tế, PGS-TS Vũ Minh Khương - Đại học Quốc gia Singapore - nêu ví dụ: Ngay trong quản lý nhà nước, nếu áp dụng công nghệ thì sẽ giúp năng suất lao động tăng gấp nhiều lần thực tại. Đơn cử như việc giám sát nguồn nước, chỉ cần tại các tỉnh, thành phố đều lắp con chip để đo chỉ số ô nhiễm của toàn bộ các đồng hồ nước trong tỉnh, chỉ số sẽ hiện lên rõ ràng, cho thấy các khu vực nào bị ô nhiễm. Từ con số này, nhà quản lý hoàn toàn nắm rõ được khu vực nào nước đang ô nhiễm và có giải pháp phù hợp thay vì phải có người chạy đôn chạy đáo đi thu thập số liệu và về báo cáo.

“Phải làm sao cho toàn thể xã hội chuyển động theo xu hướng rất mạnh mẽ. Thế giới đang làm thế nào, Việt Nam nên cố gắng áp dụng chuẩn mực như thế”- TS Khương nói.
Doanh nghiệp đang tận dụng lao động giá rẻ

Thừa nhận KH&CN có vai trò quyết định tạo ra sức “cất cánh” cho nền kinh tế và mỗi doanh nghiệp, song PGS Khương chỉ ra một thực tế khi ông quan sát những doanh nghiệp dệt may ở TPHCM: Họ lan man ra các địa phương khác để tận dụng lao động giá rẻ chứ không đầu tư cải tiến công nghệ theo chiều sâu.

“Nhiều doanh nghiệp tạo thành một vòng luẩn quẩn giữa đầu tư vào cải tiến KH&CN và mở rộng để tận dụng nhân công giá rẻ ở các tỉnh lân cận trung tâm và đã không tận dụng được lợi thế về đầu tư công nghệ. Do đó, Nhà nước cần có chính sách kích hoạt chứ không nên bao cấp nhiều. Rõ ràng những doanh nghiệp đầu tư nhiều vào KH&CN có sự tăng trưởng rất tốt và có thể cạnh tranh toàn cầu” - PGS-TS Vũ Minh Khương khẳng định.

Thừa nhận điều này, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng: “Các doanh nghiệp đột phá về phát triển công nghệ thường tăng trưởng nhanh và có hiệu quả cao hơn, từ đó tạo động lực để các nguồn lực sản xuất sẽ được chuyển dịch vào các doanh nghiệp, tạo ra giá trị cao hơn cho xã hội. Đây là một minh chứng cho thấy tầm quan trọng của KH&CN đã tác động lên tăng trưởng kinh tế”.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, trong những năm qua, Bộ KH&CN đã tập trung các nguồn tài chính cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Chính phủ cho phép thành lập Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia - phục vụ cho việc đổi mới, hoàn thiện, chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp. Quỹ này đã đi vào hoạt động từ năm 2015. Tổng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm.

“Chúng tôi xác định doanh nghiệp là trung tâm trong đổi mới, phát triển công nghệ. Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đang xây dựng nhiều cơ chế, chính sách mới để huy động nguồn lực xã hội quan tâm, đầu tư vào KH&CN. Đây là cách để thực sự tạo yếu tố tiền đề, khích lệ doanh nghiệp mạnh dạn khai thác yếu tố đổi mới công nghệ và thiết bị nâng cao năng lực cạnh tranh” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định.