Chiều 2/7, Bộ KH&CN đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với lãnh đạo Sở KH&CN các tỉnh để thảo luận về các vấn đề liên quan đến dự thảo xây dựng quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đây là một phần thuộc khuôn khổ Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quyết định 279*) do Thủ tướng ban hành vào tháng 2 vừa qua. Mục tiêu của quy hoạch là hình thành mạng lưới KH&CN công lập theo hướng mở, linh hoạt, có quy mô và cơ cấu hợp lý; đồng thời làm cơ sở xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn trên địa bàn cả nước thuộc lĩnh vực KH&CN,...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu trong hội thảo. Ảnh: TA
Mặc dù quy hoạch lần này dành cho các tổ chức KH&CN công lập cấp tỉnh song theo dự thảo, Sở KH&CN các địa phương sẽ khảo sát cả các tổ chức KH&CN ngoài công lập. “Mục tiêu là để chúng ta có thể có cái nhìn toàn cảnh về tất cả các tổ chức KH&CN trên địa bàn”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết tại tọa đàm. Những thông tin khảo sát này sẽ được chuyển về UBND tỉnh, sau đó tỉnh sẽ gửi về Bộ KH&CN để phục vụ việc xây dựng bản quy hoạch cụ thể.
Tuy nhiên, nhiều Sở KH&CN góp ý rằng nếu thời hạn nộp báo cáo khảo sát là tháng 10 tới đây, những địa phương có nhiều tổ chức KH&CN sẽ không thể làm kịp. Do vậy, “mọi người có thể cân nhắc nếu điều kiện cho phép thì khảo sát đầy đủ tất cả tổ chức, nếu không thì khảo sát lấy mẫu đại diện để làm sao chúng ta có thể đánh giá hoạt động của các tổ chức KH&CN ngoài công lập. Còn với các tổ chức KH&CN công lập, nhất thiết chúng ta phải làm cho kĩ càng, đầy đủ”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết.
Khác với những lần khảo sát quy hoạch trước, một điểm đáng chú ý trong lần quy hoạch này là các địa phương có thể đưa ra các đề xuất dự án đầu tư nhằm phục vụ sự phát triển của các tổ chức KH&CN. “Nếu tổ chức KH&CN ở địa phương có nhu cầu về trang thiết bị, đất đai để mở rộng phát triển,... thì các Sở KH&CN cứ đề xuất, từ đó nhà nước mới có cơ sở để xem xét đầu tư cho các tổ chức KH&CN”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Để đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, nhất là trong bối cảnh hầu hết các tỉnh thành đang lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 hiện nay, “các Sở KH&CN cần làm việc với tỉnh bởi trong quy hoạch tỉnh cũng có phần nội dung về KH&CN, do vậy cần thống nhất để không bị chồng chéo, nhất là các danh mục đề xuất đầu tư”, ông Nguyễn Sĩ Đăng, Phó Vụ trưởng Vụ đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ, Bộ KH&CN lưu ý.
*Trước đó, tháng 2/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nội dung của Quy hoạch gồm các nội dung chủ yếu:
Phân tích, đánh giá yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh và thực trạng phân bổ, sử dụng không gian của mạng lưới tổ chức KH&CN trên phạm vi cả nước; dự báo xu thế phát triển và xây dựng các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trong thời kỳ quy hoạch.
Đánh giá về liên kết ngành, liên kết vùng trong việc phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập; xác định yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ; những cơ hội và thách thức đối với quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập.
Xác định các quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trong thời kỳ quy hoạch; phương án phát triển mạng lưới tổ chức KH&CN công lập trên phạm vi cả nước và các vùng lãnh thổ; danh mục dự án quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên đầu tư của ngành và thứ tự ưu tiên thực hiện trong hệ thống tổ chức KH&CN công lập.