Theo chia sẻ của đồng giám đốc TFI Minh Nhật, tại thị trường Việt Nam, trong năm 2016 Edtech là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 sau Fintech với 6 thương vụ có giá trị khoảng 20 triệu USD, trong đó đình đám nhất là Capricon đầu tư vào GotIt!.

Thông tin trên được chia sẻ tại buổi tọa đàm Khởi nghiệp EdTech khởi nghiệp trong mảng giáo dục) trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) và thực tế ảo (VR).

Các quỹ đầu tư hầu hết đều dự đoán là xu hướng đầu tư và tốc độ phát triển của Edtech trong khu vực châu Á nói chung, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Đông Nam Á sẽ vô cùng ngoạn mục. Dự báo, trong 5 năm tới, khu vực châu Á sẽ thành thị trường lớn nhất về tốc độ tăng trưởng của Edtech với tốc độ là 7,3%, với 600 triệu học sinh từ mầm non tới cấp 3, 300 triệu người có nhu cầu học tiếng Anh ở Trung Quốc nói riêng, 40% thu nhập ở châu Á đầu tư cho giáo dục.

Hiện nay, trên thế giới, hệ sinh thái về Edtech đã khá là hoàn thiện, thu hút nhiều dòng vốn đầu tư, với các phân mảng như giáo dục sớm, mô hình trường học tích hợp công nghệ mới, giải pháp đào tạo doanh nghiệp, công cụ học tập mới (games…), các nền tảng online to offline, các ứng dụng quản lý trường học, công cụ tìm kiếm khóa học, chuẩn bị cho các kỳ thi…

Quang cảnh buổi tọa đàm về EdTech trong kỷ nguyên AI và VR.

Trong khi đó, hệ sinh thái EdTech của Việt Nam còn khá sơ khai, có nhiều mảng còn hầu như chưa có ai khai phá như cổng thông tin các khóa học... Các EdTech Việt mới chủ yếu tập trung vào mảng dạy tiếng Anh và nền tảng khóa học ngắn hạn.

Một trong những vấn đề khiến nhiều người thắc mắc là làm sao các startup Việt nói chung, startup EdTech nói riêng, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể "đọ" được với các "ông lớn" như Google.

Trả lời câu hỏi này, ông Lê Công Thành, Giám đốc Topica AI Lab cho rằng chúng ta không phải quá lo về vấn đề đó. "Trong Khoa học dữ liệu, điều đầu tiên được học là không có thuật toán nào tối ưu được mọi thứ. Do đó, các "ông lớn" chỉ tập trung vào những hướng có tính phổ rộng như xử lý ảnh, giọng nói, ngôn ngữ, dữ liệu tài chính. Còn rất nhiều ngách nhỏ cho startup làm trong ngành data mining và machine learning".

Ông Đào Xuân Hoàng - CEO của Monkey Junior - đưa ra lời khuyên: "Không cần lo lắng việc sẽ phải cạnh tranh với ai. Hãy cứ tập trung làm tốt việc mình đang làm, tiếp tục phát huy thế mạnh của mình thì cơ hội sẽ vẫn còn".

Nỗi lo AI có thể lấy mất việc của các giáo viên cũng được đặt ra trong buổi tọa đàm. Tuy nhiên, theo các diễn giả, không nên quá bi quan. AI chỉ là một dụng cụ, và con người thì luôn biết cách sử dụng công cụ để làm những công việc có ích, ở mức độ cao hơn.

Ông Đào Xuân Hoàng, CEO của Monkey Junior - ứng dụng dạy ngoại ngữ cho trẻ nhỏ - cho biết mình đang chuẩn bị ứng dụng AI vào Monkey Junior. "Hiện nay chúng tôi đã có một lượng dữ liệu người dùng khá lớn. Những tương tác với người dùng cũng được chúng tôi lưu lại. Khi dữ liệu người dùng đủ nhiều, có thông tin về trải nghiệm người dùng, chúng tôi sẽ dùng AI để biết họ thích nội dung gì, tính năng nào, các bạn nhỏ còn yếu ở điểm nào để từ đó đưa ra tùy biến nội dung cho từng người học".