Green Rebel, công ty sản xuất protein thay thế có trụ sở tại Indonesia, sẽ mở rộng sang thị trường Philippines và Việt Nam vào tháng 8 năm nay

s
Max Mandias và Helga Angelina Tjahjadi, đồng sáng lập của startup Green Rebel. Ảnh: Green Rebel

Sản xuất thịt từ protein thực vật đang trở thành hướng đi mới cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới. Chỉ riêng châu Á, từ năm 1961 đến năm 2021, lượng protein tiêu thụ hằng ngày từ thịt và các sản phẩm có nguồn gốc động vật của mỗi người đã tăng hơn 6 lần. Dân số bùng nổ, thu nhập cao hơn và tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ thúc đẩy nhu cầu về thịt và hải sản tăng 78% từ năm 2017 đến năm 2050.

Các phương pháp chăn nuôi truyền thống không thể đáp ứng đủ số lượng và chất lượng thực phẩm cho nhu cầu khổng lồ này. Thêm vào đó, hiện nay ngành chăn nuôi đang phải chịu trách nhiệm cho 14,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, do vậy việc tăng cường sản xuất theo hướng truyền thống sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu. Điều này gợi mở cho các công ty khởi nghiệp công nghệ tìm kiếm những ý tưởng mới để tạo ra nguồn protein thay thế - với cách thức sản xuất bền vững và lành mạnh hơn.

Năm 2020, Helga Angelina Tjahjadi và Max Mandias đã thành lậpGreen Rebel, startup chuyên cung cấp protein từ thực vật, tại Indonesia. Theo công ty, quá trình sản xuất thịt bò chay và thịt gà chay của họ phát thải ít hơn lần lượt là 91% và 84% so với quá trình sản xuất thịt bò và thịt gà tại địa phương.

Thịt làm từ thực vật không phải là sản phẩm xa lạ đối với người Indonesia, quốc gia có nền ẩm thực phong phú với tương nén (tempeh) và đậu phụ trong chế độ ăn uống hằng ngày. Một cuộc khảo sát về tiêu thụ thực phẩm từ thực vật ở Indonesia cho thấy khoảng 73% số người được hỏi đã từng tiêu thụ các sản phẩm từ thực vật thay thế cho các sản phẩm từ động vật. Vì vậy, việc tung ra một thương hiệu thịt làm từ thực vật tại đây có vẻ như khá thuận lợi.

Green Rebel cung cấp bốn loại mặt hàng - thịt bò, thịt gà đã chế biến; thực phẩm chưa qua chế biến và pho mát - với 14 sản phẩm phục vụ cho khẩu vị của người Đông Nam Á như Chick'n Satay, Chick'n Chunks, Chick'n Karaage, Chick'n Katsu, Beefless Steak, Shroom Balls. Công ty hướng đến phục vụ những người bận rộn, vì vậy nhiều sản phẩm được hâm nóng trong vòng chưa đầy 10 phút.

Sản phẩm gà karaage của Green Rebel. Ảnh: Green Rebel
Sản phẩm Chick'n Karaage của Green Rebel. Ảnh: Green Rebel

Tháng 3/2022, Green Rebel tiếp tục ra mắt thành công tại Singapore - thị trường đầu tiên bên ngoài Indonesia. Thừa thắng xông lên, công ty tiếp tục mở rộng sang Malaysia vào tháng 12/2022 và Hàn Quốc vào tháng 4/2023.

“Ngay từ ngày đầu tiên, chúng tôi luôn hình dung về Green Rebel như một công ty toàn cầu”, Helga Angelina Tjahjadi, Giám đốc điều hành của Green Rebel, cho biết. “Chiến lược phát triển của chúng tôi tập trung vào việc cá nhân hóa sản phẩm, và chúng tôi hợp tác có chọn lọc với các đối tác trong cả lĩnh vực B2B và B2C, những đơn vị có chung tầm nhìn và triết lý kinh doanh với chúng tôi”.

Cụ thể, công ty đã thiết lập quan hệ đối tác ở từng thị trường, với các công ty như Nando’s ở Singapore; Starbucks và IKEA ở Malaysia; Food Does Matter ở Hàn Quốc. Những người sáng lập nhận thấy bài toán lớn nhất đối với họ là làm thế nào để bản địa hóa các dịch vụ ở mỗi thị trường khác nhau.

Green Rebel đã nhanh chóng mở rộng sự hiện diện của mình và có hơn 1.800 điểm phân phối ở nhiều quốc gia. “Mục tiêu trung hạn của chúng tôi là có thể bán sản phẩm với mức gia ngang bằng thịt từ động vật ở các thị trường mà chúng tôi đang hoạt động", Helga Angelina Tjahjadi cho biết.

Năm ngoái, công ty đã huy động được 10 triệu USD trong vòng tài trợ tiền series A.

Cuối năm nay, Green Rebel có kế hoạch huy động từ 8 đến 10 triệu USD trong vòng tài trợ series A để hiện thực hoá các sáng kiến ​​mở rộng thị trường ra khắp toàn cầu cũng như để “hướng đến kế hoạch sinh lợi nhuận”.

Trong đó, vào tháng 8 tới, công ty sẽ mở rộng sang thị trường Việt Nam và Philippines, xuất phát từ nhận định mức tiêu thụ thịt ở hai thị trường này tương đối cao hơn so với phần còn lại của khu vực. Bên cạnh đó, người dân có xu hướng sẵn sàng chuyển sang các loại thịt có nguồn gốc thực vật nếu chất lượng tương đương và giá cả phải chăng.

Không dừng lại ở đây, “chúng tôi đang tìm cách tiếp cận thị trường Mỹ và châu Âu trong vòng một đến hai năm tới. Quốc gia đầu tiên ở châu Âu tất nhiên sẽ là Hà Lan” vì nền ẩm thực của quốc gia này có nét tương đồng với nền ẩm thực Indonesia, Tjahjadi nói.

Từ nay đến cuối năm, Green Rebel cũng sẽ tung ra các sản phẩm mới mô phỏng hương vị ẩm thực của các thị trường mà công ty hướng tới.