Lần đầu tiên, Việt Nam có tới 4 đội thi lọt vào Vòng Tứ kết bảng EFL của Giải Vô địch Tranh biện châu Á “Vietnam UADC 2019”.

Buổi khai mạc giải tranh biện ngày 25/6 | Ảnh: ĐHQGHN
Buổi khai mạc giải tranh biện ngày 25/6 | Ảnh: ĐHQGHN

Giải Vô địch Tranh biện châu Á (United Asian Debating Championship - UADC) là cuộc thi lớn nhất được tổ chức thường niên ở Châu Á dành cho sinh viên đại học, được áp dụng theo luật tranh biện của Nghị viện Châu Á [1]. Đây là năm thứ 10 giải UADC diễn ra và là năm đầu tiên Việt Nam trở thành nước chủ nhà. Hai đơn vị đồng tổ chức sự kiện là Khoa Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) và Hệ thống giáo dục Vinschool.

Cuộc thi kéo dài từ 25/6 – 30/6/2019 với sự góp mặt của 365 thí sinh tham dự, chia làm 62 đội, đến từ 47 trường đại học của 16 nước châu Á. Việt Nam có 12 đội thi từ các trường đại học lớn trong nước như ĐH Quốc gia Hà Nội (Khoa quốc tế và Trường ĐH Ngoại ngữ), Học viện Ngoại giao Việt Nam, Trường ĐH Kinh tế quốc dân, Trường ĐH Luật, Trường ĐH Fullbright Việt Nam, Trường ĐH RMIT và Trường ĐH FPT.

Cuộc thi gồm 2 bảng chính: bảng EFL dành cho các thí sinh nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai và bảng mở rộng. Cả hai bảng đều diễn ra với 8 vòng loại trong các ngày 25 – 27/6. Tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất trong cuộc thi.

“Sinh viên Việt Nam thường rất chăm chỉ và chuẩn bị rất kỹ càng trước khi thi, song, các thí sinh đến từ các quốc gia khác thì lại có kinh nghiệm hàng thập kỷ tiếp xúc với hoạt động tranh biện như Singapore, Phillipines, Malaysia” - GS. Joshua Park, Đại học Solbridge, Hàn Quốc, cố vấn chương trình nhận định tại lễ khai mạc cuộc thi hôm 25/6. “Nhưng tôi tin những bước đầu của Việt Nam hiện làm rất tốt, các bạn vừa chủ trì cuộc thi đồng thời đưa thí sinh tham gia cọ xát để học hỏi phát triển thêm kỹ năng này”.

Trải qua những giây phút thi đấu sôi nổi, ngày hôm qua cuộc thi đã chính thức đưa ra kết quả 8 đội vào vòng tứ kết của bảng EFL, trong đó có 4 đội đến từ Việt Nam, 2 đội từ Indonesia, 1 đội từ Thái Lan và 1 đội từ Trung Quốc. Ngoại trừ đội từ Trung Quốc, các đội thi còn lại đều đã có 4 trận thắng với các đối thủ khác tham dự giải.

Các đội lọt vào vòng tứ kết bảng EFL của giải UADC 2019 | Ảnh: Ngô Hà
Các đội lọt vào vòng tứ kết bảng EFL của giải UADC 2019 | Đồ họa: Ngô Hà

Từ trước đến nay, ở các giải tranh biện trên quy mô lớn tại châu Á, hầu như chưa có đội Việt Nam qua được vòng loại. Bên cạnh việc chất lượng thí sinh Việt Nam ngày càng được cải thiện, trở nên sâu sắc và chuyên nghiệp hơn thì một phần cũng nhờ địa điểm tổ chức thuận tiện mà số lượng thí sinh và đội thi của Việt Nam có cơ hội tham gia được tăng cao.

Tự tin, hào hứng và tinh thần học hỏi không từ bỏ là những điểm chung dễ thấy của các sinh viên Việt Nam tham gia giải UADC 2019 lần này - chị Đào Thị Thanh Hoa, thành viên Ban tổ chức cuộc thi UADC 2019, nhận xét.

"Có một không khí vô cùng đặc trưng ở Vinschool – địa điểm tổ chức những buổi thi đấu vòng loại. Ngay khi bước chân ra khỏi phòng thi, các nhóm đều sôi nổi thảo luận với nhau, với thầy cô huấn luyện viên, giám khảo hoăc với chính các bạn đối thủ để rút kinh nghiệm cho cuộc đấu kế tiếp”, chị Hoa hào hứng kể. "Trong tranh biện, cả đội thắng và đội thua đều có lý do để bàn bạc."

Theo lịch trình, ngày 28/6, các đội thi sẽ có một ngày nghỉ ngơi, tham gia giao lưu nghệ thuật, ẩm thực và tham quan để tìm hiểu các nét văn hoá đặc trưng lâu đời của Việt Nam.

Chủ nhật ngày 30/6/2019 sẽ diễn ra vòng chung kết cuộc thi tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, 144 Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Năm ngoái, Việt Nam cũng lần đầu tiên đăng cai tổ chức giải tranh biện Châu Á (Asia BP) theo luật Nghị viện Anh dành cho học sinh từ lớp 8-12 về những đề tài mang tính thời sự như: Quyền con người, bình đẳng giới, quan hệ quốc tế, kinh tế, bảo vệ môi trường. Cuộc thi năm 2018 đã thu hút được 200 thí sinh từ 20 quốc gia châu Á.

Khởi sinh từ thời Hy Lạp cổ đại, tranh biện được triết gia Socrates sử dụng như một cách để tìm hiểu về thế giới. Trải qua hàng ngàn năm, hoạt động tranh biện phát triển hết sức mạnh mẽ trên thế giới và được nhiều nước coi là một trong những kỹ năng quan trọng, đặc biệt đối với học sinh, sinh viên.

Một số chủ đề tranh biện ở vòng loại của Vietnam UADC 2019:

+ Ban all marketing for sugary products including but not limited to all advertising and design packaging (Cấm tất cả hoạt động tiếp thị đối với các sản phẩm đường, bao gồm (nhưng không giới hạn) quảng cáo, thiết kế bao bì…)

+ Remove all regulations on Potentially Reduced Risk Products (e-cigarettes, nicotine patches, vapes, tobacco heating products etc.) as a strategy to combat cigarette consumption. (Loại bỏ tất cả các quy định về các sản phẩm có khả năng giảm nguy cơ (thuốc lá điện tử, miếng dán nicotine, vapes, sản phẩm thuốc lá không cháy v.v…) như một chiến lược chống tiêu thụ thuốc lá.)

+ All decisions about children's health should be made by medical professionals and not their parents. (Tất cả mọi quyết định về sức khỏe của trẻ em nên được chuyên gia y tế đưa ra chứ không phải cha mẹ)

+
Allow parents to sue their children for abandonment. (Cho phép cha mẹ kiện con cái nếu họ bị bỏ rơi.)

+
Children of minority communities should prioritize developing their communities as opposed to seeking personal success elsewhere. (Trẻ em ở các cộng đồng dân tộc thiểu số nên ưu tiên phát triển cộng đồng của mình thay vì tìm kiếm thành công cá nhân ở nơi khác)

+
Companies in the gig economy (Uber, Grab, Gojek, Pathao etc.) should be required to provide contractors who work as long as full-time employees with the same benefits as full-time employees. (Các công ty trong nền kinh tế làm việc tự do như Uber, Grab, Gojek, Pathao, v.v. buộc phải cung cấp lợi ích cho những nhà thầu/người làm thuê làm việc dài hạn như nhân viên làm toàn thời gian)

+
Governments should not provide preferential treatment to local firms when allocating investment incentives. (Chính phủ không nên dành ưu đãi cho các doanh nghiệp địa phương khi phân bổ ưu đãi đầu tư)

+ Geo-engineering as the primary tool of combating climate change. (Sử dụng địa kĩ thuật như một công cụ chính để chống biến đổi khí hậu)

+ Progressive political candidates should not accept large donations (cash, product or services) from rich donors / corporations. (Những ứng cử viên chính trị đang lên không được phép nhận những khoản quyên góp lớn dưới bất kì hình thức nào như tiền mặt, hàng hóa hoặc dịch vụ từ những nhà tài trợ hoặc tập đoàn giàu có.)

+ Prefers a world where political discourse does not include discussions of any candidate's personal experiences or character. (Ưu tiên một thế giới tại đó các diễn ngôn chính trị sẽ không bao gồm những thảo luận về kinh nghiệm cá nhân hoặc cá tính của bất kì ứng cử viên nào)