Các chuyên gia cho rằng việc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa phương pháp trị liệu truyền thống vào bản danh sách các liệu pháp chẩn đoán toàn cầu sẽ đi kèm với nhiều rủi ro.
Công nhân làm việc trong một nhà máy chế biến a giao ở Đường Sơn, Hợp Phì vào tháng 3/2016. Nguồn: VCG
Ở châu Phi, lừa đang là một mặt hàng nóng. Trong vài năm qua, giá bán lừa và da lừa tăng cao tới mức dẫn đến nạn trộm cắp. Để bảo tồn quần thể lừa, một số quốc gia như Nigeria, Tanzania và Botswana đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu. Tháng trước, Chính phủ Nigeria tăng cường lệnh cấm, trong đó quy định việc giết lừa cũng là bất hợp pháp.
Sở dĩ có tình trạng như vậy là do tồn tại một thị trường chuyên về a giao (ejiao), một loại gelatin được làm từ da lừa, trị giá 15 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2,2 tỷ USD) mỗi năm. Là thành phần rất giá trị trong Đông y Trung Quốc với các tác dụng cầm máu, trị ho và ung thư nên 250 gram a giao có thể bán với giá vài trăm đô la. Khi giá cả tăng và số lượng lừa ở Trung Quốc giảm thì họ đã tìm kiếm nguồn cung từ châu Phi.
Những động vật khác còn bị đe dọa nhiều hơn. Nhu cầu khổng lồ về các phương thuốc Đông y của Trung Quốc đã đẩy nhiều loài vật như hổ, tê giác, ngựa biển và tê tê đến bờ vực tuyệt chủng, dù có rất ít bằng chứng cho thấy các chế phẩm từ động vật trên mang lại lợi ích như hứa hẹn. Đông y dựa trên các lý thuyết kinh mạch và khí công, vốn chưa được khoa học chứng minh. Phần lớn các bác sĩ và nhà nghiên cứu y học được đào tạo ở phương Tây đều hoài nghi việc áp dụng Đông y do không có bằng chứng đáng tin cậy về hiệu quả của phần lớn các liệu pháp Đông y, thậm chí còn có một số dấu hiệu cho thấy tác hại của một vài liệu pháp.
Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hàng triệu nhân dân tệ vào các chương trình nhằm hiện đại hóa và tiêu chuẩn hóa Đông y, nhưng các chương trình này mới chỉ đưa ra một vỏ bọc hợp pháp cho các phương pháp điều trị chưa được kiểm tra nghiêm ngặt. Mặt khác, Đông y là một ngành kinh tế lớn được chính phủ hỗ trợ. Tháng 1/2018, thuế nhập khẩu da lừa ở Trung Quốc đã giảm từ 5% xuống 2%. Trung Quốc nhiệt tình quảng bá Đông y trên toàn thế giới - ẩn sau ảnh hưởng của Sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời ngăn chặn sự chỉ trích về Đông y trong nước.
Trong bối cảnh đó, WHO phê duyệt “Phân loại thống kê quốc tế về các bệnh tật và vấn đề sức khỏe liên quan (ICD-11), tài liệu có ảnh hưởng lớn về phân loại và đánh mã số các tình trạng bệnh lý và được sử dụng trên toàn thế giới. Những thầy thuốc Đông y trên toàn thế giới đều coi đây là một bước quan trọng trong việc mở rộng ứng dụng Đông y trên toàn thế giới. Một tờ báo Trung Quốc gọi đó là “bước tiến quan trọng với việc quốc tế hóa Đông y”, và là trợ giúp lớn để thành lập các trung tâm Đông y trên thế giới.
Tuy nhiên, nhiều nơi chỉ trích WHO. Để đáp trả, trong một tuyên bố vào ngày 4/4, WHO đã nhấn mạnh, chương về Đông y chỉ giúp các bác sĩ cơ hội sử dụng cả Đông y và Tây y trong chẩn đoán như một “tùy chọn kép” và các danh mục này [trong ICD] "không đề cập hoặc chứng thực đến bất kỳ hình thức điều trị nào"
Chắc chắn Đông y không nên bị loại bỏ, nhiều nơi trên thế giới hiện nay vẫn chủ yếu sử dụng các liệu pháp này, nhiều sản phẩm khai thác từ tự nhiên có khả năng cứu mạng người như loại thuốc "vàng" artemisinin trị sốt rét được phát hiện ở Trung Quốc được phân lập từ cây thanh hao hoa vàng (Artemisia annua). Quan trọng là phải phân biệt được các liệu pháp có hại với những liệu pháp mặc dù không hiệu quả nhưng tương đối lành tính hoặc với nhữngliệu pháp có thể hiệu quả nhưng chưa được kiểm tra nghiêm ngặt.
Mặc dù vậy, nội dung về Đông y trong bản phân loại của WHO rất có khả năng phản tác dụng, nó có nguy cơ hợp pháp hóa một lý thuyết cơ bản vô căn cứ và không khoa học. Dù mục đích thực sự là gì thì quyết định đó của WHO không có công dụng mấy ngoài việc thúc đẩy doanh số bán hàng của nhiều liệu pháp điều trị chưa được kiểm chứng.