Mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm và có sự phối hợp của Nhà nước, nhà khoa học để xây dựng một trung tâm thì điểm về nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp tại Khu CNC Hòa Lạc.
Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Phạm Đại Dương đã nhấn mạnh điều này tại "Hội nghị ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nhân dân", tổ chức tại UBND huyện Đan Phượng (Hà Nội) ngày 19/7.
Thứ trưởng Bộ KH&CN- Phạm Đại Dương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phượng Hằng.
Tại hội nghị, bà Ngô Thị Thanh Hằng - Ủy viên TW Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho hay: "Các nhà khoa học, các doanh nghiệp rất tâm huyết trách nhiệm đầu tư cho nông thôn, đầu tư cho những vấn đề bức xúc của Hà Nội như vấn đề nâng cao năng suất chất lượng trong nông nghiệp, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Và để làm tốt những điều này chúng ta cần phải gắn kết được nhà quản lý, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp, cần phải chặt chẽ hơn nữa".
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Đại Dương đã chỉ ra một thực tế, một số
vùng địa phương tại Hà Nội trồng lúa là cây chủ đạo nhưng sản lượng chỉ ngang với Campuchia và doanh số thu được từ cây lúa
thấp hơn rất nhiều so với các nước. Còn đối với vấn đề môi trường, trong những ngày mùa gặt khói đốt rơm rạ từ các huyện
ngoại thành gây ô nhiễm không khí và ảnh hưởng cả trong nội đô, ô nhiễm
từ các chất thải làng nghề...
Vì
vậy Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho rằng: "Cần ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ
kịp thời, gắn kết được tất cả đối tượng tham gia từ nhà
nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, các hộ nông dân kết hợp. Nếu làm được điều này
chắc chắn là vấn đề năng suất chất lượng và môi trường của Hà Nội hoàn toàn có thể giải quyết được".
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Phượng Hằng.
Trên thực tế Hà Nội là địa phương có thế mạnh trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tế sản xuất. Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH & CN Hà Nội: "Hiệu quả ứng dụng các đề tài dự án vào thực tiễn càng ngày càng tăng thể hiện qua số lượng bài báo trong nước và quốc tế là 430 bài báo, 05 đề tài đoạt giải VIFOTEC, 22 sản phẩm đăng ký sáng chế, sở hữu công nghiệp, cấp 22 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm đặc sản của các làng nghề truyền nghề truyền thống.Thiết kế chế tạo 33 máy móc, dây chuyền thiết bị mới, đề xuất xây dựng 13 tiêu chuẩn quy phạm mới, 15 luận chứng kinh tế kỹ thuật, đề xuất 14 cơ chế chính sách mới và 219 giải pháp mới, 13 tài liệu, giáo trình chuyên khảo, 17 mô hình, chương trình mới, xây dựng 15 phần mềm, 12 bản đồ số, GIS trên các lĩnh vực.
Ông Rao cũng cho biết, trong thời gian qua, Bộ KH&CN cũng đã hỗ trợ 14 dự án phát triển nông thôn miền núi triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố. Các dự án nông thôn miền núi được triển khai đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng bằng việc đưa các cây trồng có giá trị kinh tế cao và công thức luân canh để tăng hiệu quả kinh tế tổng hợp trên đơn vị canh tác. Phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng công nghiệp, quy mô trang trại, khép kín từ sản xuất đến chế biến và thị trường tiêu thụ...
Để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ trên địa bàn Hà Nội, Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết, trong thời gian tới Bộ KH&CN sẽ giao cho Vụ KHCN địa phương làm đầu mối để tổ chức chương trình phối hợp để hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
"Chúng tôi sẽ đề xuất trực tiếp làm mô hình thí điểm tại khu CNC Hòa Lạc để hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp cũng như phát triển các công tác về nghiên cứu khoa học. Mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm và có sự phối hợp của Nhà nước, nhà khoa học để xây dựng một trung tâm thí điểm phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, mong muốn có được trung tâm về nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp tại Khu CNC Hòa Lạc. Sau đây chúng tôi sẽ bàn với TP Hà Nội để triển khai việc này" - Thứ trưởng Phạm Đại Dương cho biết.