Trong lần đầu tổ chức ở Việt Nam, cuộc thi Mitsui Chemicals R&D Collaboration đã trao giải cho sản phẩm có khả năng ức chế bệnh bạc lá – một trong những bệnh phổ biến nhất trên cây lúa.

TS. Lê Thị Hiên (bên phải ảnh) nhận giải thưởng Mitsui Chemicals R&D Collaboration Award 2023. Ảnh: KisStartup
TS. Lê Thị Hiên (phải) nhận giải thưởng Mitsui Chemicals R&D Collaboration Award 2023. Ảnh: KisStartup

Trung tâm R&D của Mitsui Chemicals vừa hợp tác với KisStartup tổ chức giải thưởng Mitsui Chemicals R&D Collaboration lần đầu nhằm tìm kiếm những dự án có tiềm năng thương mại hóa từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp KH&CN, nhà nghiên cứu độc lập của Việt Nam.

Sau 4 tháng triển khai, 10 dự án xuất sắc nhất đã vào vòng chung kết tổ chức vào cuối tháng Tám.

Kết quả chung cuộc, giải thưởng trị giá 2.000 đô la Singapore (~ 35 triệu đồng) thuộc về dự án “Nano bạc chitosan ức chế vi khuẩn gây bệnh bạc lá ở lúa” của nhóm nghiên cứu thuộc Trường Đại học Công nghệ (UET-VNU) do TS. Lê Thị Hiên đứng dầu.

Trong dự án này, các nhà nghiên cứu hướng đến việc sử dụng nano bạc chitosan để ức chế vi khuẩn Xanthomonas oryzae pv. oryzae gây bệnh bạc lá ở lúa – một trong những bệnh phổ biến nhất trên cây lương thực chủ đạo của Việt Nam và có thể làm giảm năng suất lúa đến 74%.

Các nhà khoa học tham gia thuyết trình tại vòng chung kết của Giải thưởng. Ảnh: KisStartup
Các nhà khoa học tham gia thuyết trình tại vòng chung kết của Giải thưởng. Ảnh: KisStartup

Các nhóm khác cũng đem tới Cuộc thi những sản phẩm sáng tạo như: sản xuất hydrogel siêu thấm từ axit polyacrylic và cellulose có nguồn gốc từ lá dứa (Đại học Cần Thơ); phát triển que thử sắc ký miễn dịch cấu trúc nano để theo dõi tái phát ung thư vú (Viện VKIST); thiết bị vi lỏng kỹ thuật số chạy phản ứng khuếch đại DNA đẳng nhiệt (Trường Đại học Quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM); chế phẩm nano sinh học dùng trong bảo quản nông sản (Trường Đại học Trà Vinh); nuôi cấy Bifidobacteria infantis ở quy mô mẻ 5lít (Viện công nghệ sinh học, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam); năng lượng tái tạo từ sinh khối tảo (Viện Công nghệ môi trường, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam); sơn tản nhiệt (Đại học Bách khoa Hà Nội); …

Ban tổ chức cho biết, dù không đoạt giải nhưng các dự án tiềm năng vẫn có cơ hội hợp tác và nhận hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ Mitsui Chemicals R&D.

Là một đơn vị hỗ trợ các startup ở Việt Nam, KisStartup cho biết đối tác Mitsui Chemicals R&D bày tỏ sự quan tâm đến bốn mảng: thiết bị y tế, sản phẩm hóa-sinh trong nông nghiệp, dinh dưỡng, và vật liệu cơ bản/vật liệu trung hòa carbon; và mong muốn tìm được các doanh nghiệp Việt nắm giữ công nghệ lõi, có tiềm năng thương mại hóa trong những lĩnh vực kể trên.

Mitsui Chemicals, thuộc Tập đoàn Mitsui của Nhật Bản,được thành lập từ năm 1997 và hiện có 161 công ty trực thuộc cùng gần 19.000 nhân viên.

KisStartup thành lập năm 2015 với sứ mệnh đồng hành cùng cộng đồng khởi nghiệp trong hoạt động nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hiệu quả hơn, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Sau 8 năm hoạt động, KisStartup đã xây dựng được một mạng lưới chặt chẽvới các trường đại học và viện nghiên cứu, đồng thời đào tạo cho hơn 500 giảng viên của các trường đại học trên cả nước về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.