Thông tin trên được ông Nguyễn Đoàn Thăng - Tổng giám đốc Công ty Rạng Đông - cho biết tại diễn đàn “Chuyển đổi số doanh nghiệp công nghiệp truyền thống - Con đường phát triển của Rạng Đông” hôm 28/4.
Ông Nguyễn Đoàn Thăng (phải)- Tổng Giám đốc Công ty Rạng Đông. Ảnh: BTC
Theo ông Thăng, là một doanh nghiệp sản xuất tiền Internet có truyền thống 60 năm, "để thực hiện chuyển đổi số thành công là vô cùng khó khăn trên rất nhiều phương diện, cần có cách làm, bước đi, tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế cụ thể, nếu không xác suất thất bại rất cao".
Bởi vậy, để chuẩn bị cho việc chuyển đổi, năm 2019, Rạng Đông đã quyết định thành lập Ban Xây dựng Chiến lược Chuyển đổi số công ty giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030 cũng như thành lập Tổ chuyên gia Tư vấn Chuyển đổi số với sự tham gia của nhiều chuyên gia đến từ các trường, viện nghiên cứu.
Với chiến lược cốt lõi là "phát triển dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và sự tử tế", công ty xác định việc chuyển đổi số sẽ thực hiện đồng bộ trên cả 3 phương diện: công nghệ, quá trình và tổ chức - con người.
Đối với công nghệ, để có thể chuyển từ sản xuất sản phẩm thông thường sang sản phẩm kết nối IoT, kèm theo là dịch vụ trên các nền tảng số, năm 2020, Rạng Đông đã thành lập thêm Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ kỹ thuật số. Trung tâm này đóng vai trò đầu não tiếp nhận, chuyển giao và phát triển các thành tựu của công nghệ kỹ thuật số đưa vào quá trình sản xuất kinh doanh, đặc biệt là phát triển dòng sản phẩm chiến lược Hệ sinh thái LED 4.0.
Đồng thời, với việc xác định con người là một trong những yếu tố tiên quyết dẫn đến sự thành công của chuyển đổi số, công ty chú trọng hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu như Đại học Ngoại thương, Đại học Bách khoa Hà Nội,... để cùng giải quyết các vấn đề trong chuyển đổi số cũng như nâng cao năng lực của đội ngũ.
Chẳng hạn, năm ngoái, công ty này đã ký kết thỏa thuận hợp tác mới với Đại học Bách khoa Hà Nội để đào tạo bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ Rạng Đông liên quan đến nhà máy thông minh; đào tào nguồn cán bộ chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thực tiễn của Rạng Đông và cung cấp các giải pháp khoa học – công nghệ giúp Rạng Đông triển khai chiến lược chuyển đổi số. Nhờ vậy, "nguồn nhân lực tiếp nhận chuyển giao khoa học - công nghệ, đặc biệt là nguồn nhân lực công nghệ kỹ thuật số của Rạng Đông đã từng bước đáp ứng yêu cầu triển khai chiến lược chuyển đổi số", ông Nguyễn Đoàn Thăng cho biết.
Trong quá trình chuyển đổi, việc lựa chọn mô hình tăng trưởng, mô hình kinh doanh, mô hình tổ chức - vận hành công ty cũng là một yếu tố rất quan trọng. Đối với Rạng Đông, công ty chấp nhận mô hình lai, duy trì mô hình kinh doanh truyền thống (Pipeline) theo kiểu tuyến tính nhưng được làm mới bằng công nghệ số; đồng thời từng bước phát triển mô hình kinh doanh mới trên các nền tảng số, tham gia vào các hệ sinh thái mở và thúc đẩy thương mại điện tử cũng như truyền thông kỹ thuật số.
“Nhờ vậy, năm 2020 - năm đầu tiên tiến hành chuyển đổi số, Rạng Đông tăng trưởng doanh thu 15,6%. Quý 4/2020 tăng trưởng doanh thu đạt 20,0% so cùng kỳ, quý 1/2021 doanh thu tăng 38,4%”, ông Nguyễn Đoàn Thăng cho biết. “Nếu cứ giữ mô hình cũ, tăng trưởng tiệm tiến khoảng 5 - 10% mỗi năm, trong khi khoảng cách tụt hậu của chúng ta so với 3 nước ASEAN (Singapore, Malaysia, Thái Lan) còn rất xa, chưa nói so với các nước phát triển”.
Đánh giá về kết quả này của Rạng Đông, TS Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ KH&CN, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, nhận định, “những bước tiến bộ của Rạng Đông vượt xa mong đợi” và có thể nói là đã bước đầu thành công trong chuyển đổi số.