Nền tảng trực tuyến VIETRAD nâng độ chính xác trong chẩn đoán nhũ ảnh của các bác sĩ Việt Nam từ mức dưới 50% hiện nay lên 85%. Đây là dự án được triển khai trong khuôn khổ chương trình Aus4Innovation với khoản hỗ trợ hơn 340.000 AUD từ Chính phủ Úc.


Lễ ra mắt nền tảng VIETRAD ngày 12/11/2020, sau một năm xây dựng. Ảnh: ĐSQ Úc

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, VIETRAD là hệ thống đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng công nghệ học máy để đánh giá, giám sát và cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán ung thư vú dựa trên hình ảnh. “Với khả năng truy cập từ xa, mọi bác sĩ trên toàn quốc có thể tự tiếp cận và sử dụng phần mềm, qua đó chủ động nâng cao năng lực,” thông cáo báo chí dẫn lời Thứ trưởng Thuấn.

Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam với hơn 10.000 ca mới mỗi năm. Phần lớn bệnh nhân khi phát hiện bệnh đã ở các giai đoạn muộn, khiến cho việc chữa trị trở nên khó khăn hơn và tỉ lệ sống sót thấp hơn. Khả năng phát hiện sớm phụ thuộc vào khả năng bác sĩ chẩn đoán hình ảnh đọc chính xác nhũ ảnh. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tỉ lệ phát hiện chính xác các dấu hiệu bất thường trên nhũ ảnh khá thấp, chỉ ở mức dưới 50%.

Nền tảng VIETRAD sử dụng cách tiếp cận và đào tạo chẩn đoán hình ảnh tiên tiến từ Úc, và do Đại học Sydney chuyển giao công nghệ. Các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ dựa trên dữ liệu nhũ ảnh tổng hợp từ Việt Nam và Australia để thực hành và cải thiện kĩ năng đọc nhũ ảnh. Các lỗi chẩn đoán mà các bác sĩ mắc phải sẽ được chỉ ra và công nghệ học máy sẽ giúp nâng cao khả năng của các bác sĩ. Cách tiếp cận này có thể tăng độ chính xác trong chẩn đoán nhũ ảnh của các bác sĩ lên 85%. Tỷ lệ này cũng là tỷ lệ chẩn đoán chính xác mà các bác sĩ chuẩn đoán hình ảnh người Úc đạt được khi sử dụng nền tảng này.

Phát biểu tại lễ ra mắt nền tảng VIETRAD ngày 12/11, sau một năm xây dựng, bà Robyn Mudie, Đại sứ Australia tại Việt Nam, nói: “Tôi đặc biệt hào hứng với dự án này bởi ung thư vú vẫn luôn là mối lo lắng về sức khỏe lớn của phụ nữ, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu.”

Nền tảng VIETRAD sẽ được giới thiệu và triển khai tại một số bệnh viện ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TPHCM, sau khi các bác sĩ từ các bệnh viện này được tập huấn sử dụng.