Đây là nhận định của ông Jacques Regaldo - Chủ tịch Hiệp hội vận hành nhà máy điện hạt nhân thế giới - tại triển lãm Năng lượng hạt nhân thế giới ATOMEXPO 2016 đang diễn ra ở Moscow từ 30/5 tới 1/6.
4.500 đại biểu từ 55 nước đăng ký tham dự ATOMEXPO 2016 là con số được ông Kirill Komarov- Phó tổng giám đốc Tập đoàn năng lượng Rosatom - đưa ra trong diễn đàn của triển lãm năng lượng nguyên tử thế giới ATOMEXPO 2016 .
Theo ông Komarov, con số trên cho thấy nhiều nước trên thế giới đã quan tâm hơn tới sự phát triển của năng lượng hạt nhân. “Theo chúng tôi, nguyên nhân của sự quan tâm này chính là bởi chủ đề của diễn đàn: Năng lượng xanh, năng lượng không cácbon và vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc định hình nguồn năng lượng xanh trên thế giới”.
Phát biểu trong diễn đàn, bà Agneta Rising - Tổng giám đốc Hiệp hội hạt nhân thế giới cho hay: “Ngành công nghiệp nguyên tử đang đứng trước một bài toán lớn là làm sao nâng được sản lượng năng lượng điện lên 25% vào năm 2050. Điều này đồng nghĩa với việc cần xây dựng và vận hành hơn 1.000 lò phản ứng hạt nhân mới, trong khi hạn chế việc sử dụng nguồn năng lượng có nguồn gốc từ cácbon trên phạm vi toàn thế giới… Nhiệm vụ của chúng ta là làm sao để nhiều nước trên thế giới bắt đầu sử dụng nguồn năng lượng nguyên tử. Tôi phải nói rằng, Nga hiện đã rất thành công trong việc chuyển giao công nghệ hiện đại cũng như kỹ thuật điều hành các nhà máy điện hạt nhân cho nước khác”.
Ông Jacques Regaldo, Chủ tịch Hiệp hội vận hành nhà máy điện hạt nhân thế giới nhấn mạnh rằng tại Hội nghị môi trường thế giới tại Paris, các nước đã bàn thảo tới việc giảm phát thải CO2. Để đáp ứng yêu cầu này thì buộc phải phát triển năng lượng hạt nhân tại không chỉ những nước đã có nhà máy điện hạt nhân mà còn ở những nước mới bắt đầu sử dụng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên ông Jacques Regaldo cũng nhấn mạnh phải chú trọng tới vấn đề an toàn điện hạt nhân.
ATOMEXPO 2016 là nơi các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp năng lượng nguyên tử gặp gỡ và trao đổi thông tin.
Trong 2 ngày đầu của cuộc triển lãm, Tập đoàn năng lượng ROSATOM đã ký được một loạt hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân nguyên tử tại nhiều quốc gia, trong đó có Bolivia, Tanzania, Nigeria và Bangladesh. |
Hiền Thảo (Theo Regnum)