Muốn phát triển năng lượng điện hạt nhân tại Việt Nam, cần phải đặc biệt chú trọng đến yếu tố an toàn khi xây các lò phản ứng, cũng như tuổi thọ của các nhà máy này.




Hội thảo "Phát triển điện hạt nhân và trách nhiệm an toàn của các bên liên quan" tại HUTECH

Trong khuôn khổ triển khai Đề án Thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020 do Cục Năng lượng nguyên tử (NLNT) chủ trì, trong sáng ngày 3/12/2015, Cục NLNT đã phối hợp với trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (ROSATOM) và các cơ quan liên ngành tổ chức hội thảo với chuyên đề “Phát triển điện hạt nhân và trách nhiệm an toàn của các bên liên quan”.


Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia đầu ngành về điện hạt nhân

Tham gia hội thảo có TS. Hoàng Anh Tuấn – Cục trưởng Cục năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ); Ông Hoàng Xuân Hòa - Vụ trưởng vụ kinh tế tổng hợp (Ban kinh tế Trung ương); Ông Lê Vinh Khánh - Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam; TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt – Phó Hiệu trưởng HUTECH, Ông Lê Quang Hiệp - Phó cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân; Ông Trần Quang Tuấn - Phó Trung tâm nghiên cứu và phát triển truyền thông KH&CN, Ông Trần Quốc Dũng - Giám đốc Trung tâm hạt nhân TP.HCM cùng các đại biểu, nhà khoa học, giảng viên và hơn 500 sinh viên Khoa Cơ - Điện - Điện tử HUTECH.

Mục tiêu của hội thảo diễn ra lần này là nhằm cung cấp thông tin về tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới và ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an toàn trong việc sản xuất và sử dụng điện hạt nhân,... từ đó góp phần nâng cao hiểu biết của công chúng về vai trò và trách nhiệm của các cơ quan trong việc triển khai dự án này để đảm bảo an toàn và hiệu quả.


TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc chương trình, TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt - đại diện Ban Giám hiệu HUTECH chia sẻ: “Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân được xem là giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết nhu cầu thiếu hụt năng lương điện, buổi hội thảo là dịp để mọi người có cái nhìn tổng quan nhất về lĩnh vực này,đồng thời thể hiện trách nhiệm cho việc đảm bảo an toàn, kiểm soát các sự cố có thể xảy ra và giảm thiểu hậu quả của việc phát triển nguồn năng lượng mới vào cuộc sống một cách tối ưu”.

Thông qua clip “10 ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế xã hội”, Bộ KH&CN đã đưa ra cái nhìn tổng quan hơn trong việc hướng tới hai mục tiêu chính là ứng dụng bức xạ, đồng vị phóng xạ trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, y tế, nông nghiệp, bảo vệ môi trường,… và phát triển chương trình điện hạt nhân nhằm có nhiều đóng góp vào đời sống kinh tế, xã hội của đất nước.


Nhiều thông tin bổ ích đã được cập nhật tại chương trình

Tại hội thảo, TS. Hoàng Anh Tuấn- Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử đã trình bày về “Tình hình và nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia”. Theo ông Tuấn, hiện Việt Nam đã cử các chuyên gia sang Nga đào tạo, nhằm đảm bảo tính an toàn hiệu quả khi triển khai, vận hành nhà máy tại Việt Nam. Song song đó,ông Lê Quang Hiệp- Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cũng chia sẻ thông tin về “Pháp quy hạt nhân- kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn Việt Nam”, đồng thời ông Hiệp cũng nhấn mạnh, muốn phát triển điện hạt nhân an toàn phải xây dựng hệ thống luật, kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình vận hành của các nhà máy hạt nhân,… Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia mới trong lĩnh vực phát triển điện hạt nhân do đó đang trong giai đoạn học hỏi kinh nghiệm từ các nước đã phát triển để hoàn thiện khung pháp lý và quy định để phát triển điện hạt nhân bền vững.

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, PGS.TS Pavel A.Belousov- Thành viên thường trực Viện Hàn lâm Khoa học tự nhiên Liên bang Nga (Viện Kỹ thuật điện hạt nhân Obninsk, trực thuộc trường Đại học Nghiêncứu hạt nhân quốc gia MEPhI) cho biết Lò phản ứng hạt nhân VVER có thời gian hoạt động 60 năm với công suất 1.200 MW và có thể chịu được động đất, sóng thần, tố lốc và tai nạn máy bay lên tới 400t đã được xây dựng tại nhiều quốc gia như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhỹ Kỳ,... Việt Nam cũng chọn công nghệ lò phản ứng VVER cho nhà máy điện hạt nhân của mình và đang trên đà phát triển.

Những thông tin bổ ích trên đã cung cấp cái nhìn toàn diện nhất về lĩnh vực Điện hạt nhân thế giới, tiến trình hội nhập, hiệu quả và triển vọng ứng dụng năng lượng nguyên tử tại Việt Nam cũng như yếu tố an toàn khi xây dựng và sản xuất lò phản ứng phục vụ cho mạng lưới điện quốc gia, tạo động lực phát triển mọi mặt kinh tế - chính trị - xã hội của cả nước.


Đông đảo sinh viên HUTECH tham gia tìm hiểu và đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Có thể khẳng định, Hội thảo lần này là một sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của các chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên cùng thế hệ trẻ là những sinh viên HUTECH tham gia tìm hiểu và đóng góp ý kiến. Theo đó, đào tạo nhân lực cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân cũng đã và đang được chú trọng cho các dự án nhà máy điện sắp tới. Từ cuối năm 2014, việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, phát triển mạng lưới điện hạt nhân đang được triển khai mạnh mẽ. Do vậy sinh viên HUTECH đặc biệt là sinh viên thuộc các khối ngành Cơ – Điện – Điện tử, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học,… đều có cơ hội phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực hạt nhân nếu thực sự có đam mê và trang bị thêm cho mình những kiến thức cần thiết để có thể tham gia vận hành, phát triển mạng lưới điện hạt nhân trong sự nghiệp sau này.

Với sứ mệnh kết nối Khoa học - Công nghệ gắn liền với nền kinh tế tri thức qua việc phân tích, đánh giá về ứng dụng điện hạt nhân phục vụ cho việc nâng cao đời sống kinh tế xã hội tại Việt Nam, hội thảo Phát triển điện hạt nhân và trách nhiệm an toàn của các bên liên quan” khép lại đã thực hiện được đúng chức năng của nó, là cơ hội để các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên HUTECH tiếp cận gần hơn với sự kiện mang tầm vóc quốc gia trong sự nghiệp phát triển đất nước ở thời điểm hiện tại và tương lai.