Tiến sỹ Nguyễn Mộng Sinh cho rằng cùng với sự hỗ trợ của Nga và của các nước khác trên thế giới, Việt Nam có cơ hội đón đầu những thành tựu khoa học-công nghệ mới nhất trong lĩnh vực điện hạt nhân để xây dựng cơ sở cho ngành hạt nhân nước nhà.
Tiến sỹ Nguyễn Mộng Sinh là tác giả của hơn 40 công trình khoa học trong lĩnh vực công nghiệp hạt nhân, dẫn dắt nhiều dự án hạt nhân quốc gia và quốc tế gồm cả những dự án của IAEA. Vừa qua, ông được vinh danh khi là một trong 3 chuyên gia hạt nhân Việt Nam được nhận kỷ niệm chương nhân kỷ niệm “70 năm ngành hạt nhân Nga” vì những đóng góp to lớn cho ngành hạt nhân.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Mộng Sinh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt (giai đoạn 1988-1995).
- Là một trong ba chuyên gia hạt nhân Việt Nam được nhận kỷ niệm chương nhân kỷ niệm “70 năm ngành hạt nhân Nga,” ông có chia sẻ gì?
Tiến sỹ Nguyễn Mộng Sinh: Sau 5 năm quay trở lại Nga, tôi thấy và tự hào về sự phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân Nga và thế giới. “70 năm ngành công nghiệp hạt nhân Nga” là một sự kiện khoa học-công nghệ rất lớn, ở đây tôi được gặp gỡ và tiếp xúc, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với những bậc lão thành trong lĩnh vực này đến từ khắp nơi trên thế giới cũng như được gặp lại những người bạn, những người đồng nghiệp cũ. Bộ tư liệu “Thế kỷ nguyên tử Nga” đưa sự kiện từ năm 1907-2015 mà tôi mang về có giá trị tham khảo quan trọng, không chỉ giúp nhìn lại chặng đường phát triển của ngành công nghiệp hạt nhân Nga mà còn giúp Việt Nam rút ra nhiều bài học kinh nghiệm từ con đường ấy.
Đặc biệt, trong chuyến đi, tôi được gặp gỡ với các sinh viên Việt Nam đang theo học tại Đại học Tổng hợp Nghiên cứu Hạt nhân Quốc gia Nga MEPhI, các sinh viên Việt Nam ở đây được đào tạo rất bài bản, có nhiều cơ hội thực hành và tiếp xúc với công nghệ - hiện đại từ rất sớm để trở thành những chủ nhân tương lai của nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam. Đây là may mắn cho sinh viên Việt Nam khi được theo học trường hạt nhân danh tiếng của Nga bởi trước đây Liên Xô cũ không đào tạo cho người nước ngoài về công nghệ vận hành hay ứng dụng hạt nhân, trong khi đến thời điểm này đã có gần 300 sinh viên Việt Nam theo học các ngành về hạt nhân mà những người đi trước không thể tiếp cận. Đồng thời, đây cũng là gánh “nặng” bởi lẽ họ sẽ phải gánh trên vai tương lai của nền hạt nhân nước nhà - một trách nhiệm không hề nhỏ.
- Thông qua chuyến đi, cũng như bằng kinh nghiệm thực tế của mình, ông có thể chia sẻ về sự phát triển của nền hạt nhân Nga nói riêng và nền hạt nhân thế giới nói chung cũng như tiềm năng phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam không?
Nhờ có lịch sử phát triển lâu dài và nền tảng khoa học công nghệ vững chắc, nền công nghiệp hạt nhân của Liên bang Nga sẽ còn tiếp tục phát triển ở mức độ cao hơn nữa. Điển hình là việc Nga đã và đang xây dựng một loạt tàu ngầm hạt nhân phá băng qua Bắc Băng Dương, trong đó có 4 tàu chuẩn bị khánh thành. Hạm đội tàu này nhằm đảm bảo cho tuyến đường huyết mạch qua Bắc Băng Dương được thông suốt.
Điều này cho thấy ngành công nghiệp hạt nhân Nga đang ngày càng đi sâu vào những lĩnh vực quan trọng, mang lại hiệu quả lớn cho kinh tế, an ninh và quốc phòng của quốc gia này. Vì vậy, việc Việt Nam hợp tác với Nga để phát triển ngành hạt nhân là hoàn toàn có cơ sở.
Trong chuyến đi, tôi có cơ hội tiếp xúc với một số đại diện đến từ những quốc gia đã từng hợp tác với Nga trong lĩnh vực này nhưng không ai trong số họ phủ nhận lợi ích cũng như khả năng phát triển của năng lượng hạt nhân trên thế giới mặc dù một số nước hiện nay đã tạm thời ngưng phát triển năng lượng hạt nhân, một số nước vẫn đang tiếp tục phát triển. Các đại diện đều đánh giá cao sự cần thiết trong việc hợp tác với Nga và hợp tác với nhau để phát triển nền hạt nhân thế giới nói chung và nền hạt nhân mỗi quốc gia nói riêng vì mục đích hòa bình.
Việt Nam cũng đang dần tiến tới hoàn thiện các thể chế, chính sách và xây dựng cơ sở hạ tầng hạt nhân để tiến tới xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận. Nga là đơn vị thi công nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và cũng đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều trong giai đoạn chuẩn bị.
Đặc biệt, Nga sẽ giúp đỡ Việt Nam xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân với lò phản ứng nghiên cứu có công suất dự kiến khoảng 15 MW (gấp 30 lần lò phản ứng hiện nay tại Đà Lạt).
Cùng với sự hỗ trợ của Nga và của các nước khác trên thế giới, Việt Nam có cơ hội đón đầu những thành tựu khoa học-công nghệ mới nhất trong lĩnh vực này để xây dựng cơ sở cho ngành hạt nhân nước nhà.
- Việt Nam đang trong quá trình chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên, trong đó vấn đề an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu và cũng là sự băn khoăn của nhiều người. Theo ông, cần lưu ý gì trong vấn đề an toàn hạt nhân?
Năng lượng hạt nhân là một lĩnh vực khoa học-công nghệ cao và phức tạp, vì vậy mà các nhà khoa học, các kỹ sư trong ngành luôn đặt an toàn là yếu tố đầu tiên. Trong sự phát triển của năng lượng hạt nhân, có nhiều yếu tố khiến người ta lo lắng do không nắm được tiến bộ của khoa học-kỹ thuật. Các nước đã và đang cố gắng tối đa để công nghệ hạt nhân ngày càng an toàn hơn đặc biệt là sau sự cố Fukushima, tiêu chuẩn an toàn được nâng lên cao hơn nữa, tính đến mọi biến số về thiên nhiên và cả các sự cố như máy bay rơi... Do đó, xét về mặt kỹ thuật và công nghệ, vấn đề an toàn về cơ bản đã được giải quyết.
Xét về yếu tố con người, văn hóa an toàn cần được chú trọng. Phát triển an toàn kỹ thuật phải đi cùng với nâng cao nhận thức con người. Yếu tố con người mang tính quyết định.
Ở Việt Nam, vấn đề này đang nhận được sự quan tâm lớn. Nước ta chưa hoàn thành công nghiệp hóa do đó tư duy và tác phong làm việc của người Việt Nam phần nào còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, văn hóa an toàn đã được chú trọng xây dựng và được cải thiện hơn. Việt Nam lùi thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng để đảm bảo xây dựng nguồn nhân lực tốt cũng như cơ sở hạ tầng đảm bảo cho phát triển điện hạt nhân an toàn.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Vietnamplus