Các chuyên gia quốc tế khuyến khích phát triển các phương thức huy động vốn hướng nhiều đến khu vực tư nhân như trái phiếu, quỹ hạ tầng hay hợp tác công-tư, thay vì dựa vào ngân sách chính phủ và vay nợ ngân hàng đa phương để xây dựng cơ sở hạ tầng.
Sáng 16/1, trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019 diễn ra tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tổ chức Hội thảo “Quản trị, huy động vốn và phát triển cơ sở hạ tầng - Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị chính sách cho Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia cấp cao đến từ các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quốc tế đa phương. Đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã tổng quát về bối cảnh quản trị và phát triển hạ tầng theo mô hình hợp tác công – tư (PPP) tại khu vực Đông Nam Á đồng thời chỉ ra trường hợp cụ thể của Việt Nam.
Các ý kiến thống nhất rằng cơ sở hạ tầng đóng vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế - xã hội ở mọi quốc gia và thậm chí rất quan trọng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế ở những nước đang phát triển. Báo cáo đã đưa ra khung quản trị hạ tầng toàn diện, bao gồm cả chu trình đầu tư công được tiến hành theo phương pháp đánh giá quản lý đầu tư công PIMA.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam đã xác định phát triển cơ sở hạ tầng là một trong 3 chiến lược phát triển kinh tế xã hội và đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, nhất là trong khu vực công, cũng như quản lý phát triển cơ sở hạ tầng.
Việt Nam: Các dự án hợp tác công - tư trị giá 50 tỷ USD
Theo các chuyên gia từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ABD) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) thì nguồn vốn cho cơ sở hạ tầng ở các nước châu Á bao gồm Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách chính phủ và vay nợ ngân hàng đa phương. Các nguồn truyền thống này hiện đang dần thu hẹp phạm vi và đặt gánh nặng nợ công lên các chính phủ, trong khi đó năng lực để lập kế hoạch và quản lý phát triển hạ tầng của nhiều quốc gia còn thấp. Bởi vậy, các chuyên gia quốc tế khuyến khích phát triển các phương thức huy động vốn hiện đại hơn, hướng nhiều đến khu vực tư nhân như trái phiếu, quỹ hạ tầng hay hợp tác công - tư.
PPP là hình thức được đặc biệt tập trung thảo luận. Hầu hết các quốc gia châu Á đều đã và đang đẩy mạnh thực hiện mô hình đối tác đó trong 15 năm qua. Theo thống kê, Việt Nam đã có 150 dự án đầu tư theo PPP với ước tính tổng mức đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng, tương đương 50 tỷ USD, và các dự án đó đã góp phần cải thiện rõ rệt cơ sở hạ tầng Việt Nam. Khi nguồn tài khóa công hạn hẹp, rõ ràng cơ chế kết hợp này mở ra nhiều cơ hội phát triển hơn. Tuy vậy nó cũng chứa đựng không ít rủi ro mới về tài chính, quản lý, xây dựng, tái đàm phán…
Để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến hợp tác công tư, các nhà nghiên cứu tại IMF đã đưa ra một số thông lệ tốt nhất về thể chế và pháp lý nhằm quản lý hiệu quả cơ chế; cũng như những thông lệ chuẩn mực cho việc thẩm định và lựa chọn minh bạch các dự án PPP. Trong phiên trình bày ngày 16/1, đại diện bộ tài chính Indonesia cũng đã chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của quốc gia này cho Việt Nam trong quá trình triển khai PPP.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Vũ Đại Thắng, hội thảo là cơ hội tốt để Việt Nam tiếp cận, đổi mới thể chế quản lý và phát triển CSHT phù hợp với chuẩn mực quốc tế, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị, đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển.