Nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) và các cộng sự phát hiện sắc tố màu lâu đời nhất thế giới có niên đại 1,1 tỷ năm tại sa mạc Sahara ở châu Phi.
Nur Gueneli – thành viên của nhóm nghiên cứu tại ANU - cho biết, loại sắc tố này được chiết xuất từ đá phiến sét đen có nguồn gốc từ biển, nằm sâu bên dưới lưu vực Taoudeni ở Mauritania, Tây Phi. Nó lâu đời hơn 500 triệu năm so với các sắc tố sinh học khác được phát hiện trước đó.
“Sắc tố có màu hồng sáng này là những hóa thạch phân tử của chất diệp lục do các sinh vật quang hợp cổ đại tạo ra. Chúng từng sinh sống trong một đại dương nguyên thủy mà hiện nay đã biến mất”, Gueneli cho biết. Sau khi phân tích kỹ các sắc tố, nhóm nghiên cứu nhận định vi khuẩn lam (cyanobacteria) với kích thước nhỏ đã chiếm ưu thế và chi phối chuỗi thức ăn trong các đại dương cách đây hàng tỷ năm.
Quốc Hùng (Theo Sciencedaily)