Nếu Estonia hay Malaysia đã viết nên những câu chuyện kỳ diệu mang tên "số hóa" thì Việt Nam hoàn toàn cũng có thể làm được điều tương tự.

Trước viễn cảnh Công nghiệp 4.0 và những thách thức của mô hình kinh tế dựa trên nền tảng số hóa, các chính phủ, trong đó có Việt Nam, cần thiết phải tự đổi mới để có đủ và nâng cao năng lực quản trị phát triển quốc gia – như khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn ICT Summit Vietnam 2018 diễn ra hôm 18/07 tại Hà Nội.

Điểm nhấn tại sự kiện lần này, bên cạnh tuyên ngôn “hành động” và quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, còn có câu chuyện chuyển đối số thành công của Estonia và Malaysia do 2 diễn giả nổi tiếng: ông Hannes Astok – Giám đốc đại diện, phụ trách Chiến lược & Phát triển của e-Governance Academy (Estonia), và ông Idris Jala – Chủ tịch kiêm CEO Hiệp hội PEMANDU (Malaysia), chia sẻ.

Với quy mô khiêm tốn (chỉ vỏn vẹn 1,3 triệu dân) và các nguồn lực bị giới hạn, lại gặp rất nhiều khó khăn khi mới tách ra khỏi Liên bang Xô-viết (năm 1991), nhưng Estonia đã rất nỗ lực để vươn lên trở thành quốc gia số hóa thành công nhất thế giới. Hiện tại, có đến 99% dịch vụ thiết yếu cho người dân và doanh nghiệp Estonia đang được cung cấp bởi Cổng Dịch vụ trực tuyến quốc gia. Ngoài ra, nước này cũng đã hoàn thiện hệ thống quản lý, đăng ký công dân đi kèm mã số xác thực điện tử lẫn chữ ký số, khiến các giao dịch với chính quyền trở nên cực kỳ dễ dàng và thuận tiện. Chưa kể, nền tảng e-Cabinet và e-Consultation được thiết kế giành riêng cho chính phủ cũng giúp những cơ quan đầu não cắt giảm rất nhiều chi phí và thời gian hoạt động, bao gồm cả họp hành – có những cuộc họp nội các, thậm chí chỉ diễn ra trong khoảng 1 phút … Như ông Astok cho biết, mỗi năm Estonia tiết kiệm được gần 2% GDP (nhẽ ra phải rót cho chi tiêu công) để đầu tư thêm cho quốc phòng.

.

ÔngHannes Astok trình bày mô hình "nhà nước số" của Estonia. Ảnh: Hải Đăng

Còn kinh nghiệm của Malaysia, như ông Jala chia sẻ, sau gần 10 năm triển khai chính phủ điện tử (e-Government) dựa trên mô hình PEMANDU (Performance Management Delivery Unit) bao gồm 8 bước BFR (Big Fast Result): 1. Đặt mục tiêu đúng đắn; 2. Xây dựng kế hoạch chi tiết; 3. Chọn ngày công bố; 4. Chỉ ra đường lối thực hiện rõ ràng; 5. Xây dựng và đo lường và giám sát bằng KPI rõ ràng; 6. Thực thi và giải quyết các vấn đề; 7. Đánh giá kết quả từ bên ngoài; 8. Báo cáo tổng kết định kỳ hàng năm và đánh giá … đất nước Đông Nam Á này đã tạo thêm được 2,6 triệu việc làm mới; cắt giảm thâm hụt ngân sách từ 6,6% xuống còn 3% GDP; giải ngân được 540 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng (so với mục tiêu 444 tỷ USD) trong giai đoạn 2011 - 2017. Chẳng thế mà Báo cáo đầu năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã xếp Malaysia vào nhóm 20 nước dẫn đầu và sẵn sàng cho Công nghiệp 4.0. Đặc biệt, ông Jala còn gửi gắm thông điệp: chúng ta (tức Malaysia và Vietnam) rất giống nhau, cho nên nếu Malaysia thành công thì Việt Nam cũng có thể làm được.

.

Ông Jala tự hào khi nói về câu chuyện chuyển đổi số thành công của Malaysia. Ảnh: Hải Đăng

Những bài học trên của Estonia và Malaysia thực sự rất có giá trị, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cả lãnh đạo lẫn người dân Việt Nam để chúng ta có thể tự tin dám viết nên câu chuyện thành công của riêng mình. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam phải đối mặt, như chia sẻ của GS Hồ Tú Bảo tại thảo luận chuyên đề về “hạ tầng số” (digital infrastructure), đó là chúng ta đang rất thiếu vắng một khung pháp lý hoàn thiện cho việc tạo dựng các nền tảng – tức vấn đề nằm ở luật, trong khi đây thực sự là mục tiêu đòi hỏi phải có lộ trình thực hiện rõ ràng, cụ thể và chính xác chứ không thể thường xuyên chắp vá hay khắc phục lỗi lầm.

Hiện tại, Chính phủ đang gấp rút soạn thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong phát triển e-Government giai đoạn 2018-2020, định hướng 2025, xác định rõ những mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể, đồng thời thiết lập hệ thống chỉ số giám sát hiệu quả thực thi (KPI) nhằm tránh căn bệnh hình thức mà không làm gì hoặc không đảm bảo yêu cầu. Trước một số động thái quyết liệt như vậy, chúng ta cũng có thêm cơ sở để cùng chờ đón những chuyển biến tích cực trong giai đoạn sắp tới.