Lâu nay, việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Điều này khiến cho công tác xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thường bị trì trệ, do kinh phí ít, cơ chế tài chính hạn hẹp khiến cho vấn đề này không được các đơn vị quan tâm đúng mức.


Đó là vấn đề chính được thảo luận trong Hội nghị Giải pháp nâng cao chất lượng công tác tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày18/7.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Vũ

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Ngọc Vũ

Trong bối cảnh hội nhập, việc Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định đa phương, song phương… đã tạo ra nhiều cơ hội để trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thông tin, tạo điều kiện và động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những khó khăn mới đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, bởi hầu như quy trình sản xuất nông sản trong nước chưa theo kịp với các quy chuẩn quốc tế nên chưa có sức cạnh tranh cao.

Do vậy, việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ thiết lập hàng rào kỹ thuật nhằm quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ sản xuất trong nước là hết sức cần thiết.

Tính đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT đã ban hành được 804 tiêu chuẩn (TC) và 209 quy chuẩn (QC). Trong đó, lĩnh vực cây trồng nông nghiệp có 32TC và 53QC; lĩnh vực phân bó có 47TC; lĩnh vực bảo vệ thực vật có 56TC và 72QC; lĩnh vực chăn nuôi có 88TC và 24QC; lĩnh vực thú y có 126TC và 18QC; lĩnh vực thủy sản có 67TC và 27QC; lĩnh vực lâm nghiệp có 60TC và nông sản thực phẩm có 89TC và 10QC; cơ điện nông nghiệp có 69TC và 1QC; lĩnh vực thủy lợi có 151TC và 4QC. "Việc ban hành TC, QC góp phần đẩy mạnh sản xuất, tạo sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn, đặc biệt là với sản phẩm xuất khẩu” – bà Nguyễn Giang Thu, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường của Bộ NN&PTNN cho biết.

Tuy nhiên, việc xây dựng và áp dụng TC, QC trong ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc. Mà đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, kế hoạch xây dựng TC, QC chưa tập trung được nguồn lực để đảm bảo yêu cầu của quản lý và sản xuất. Các đề xuất của các Tổng cục liên quan đến lĩnh vực của mình còn tản mạn, không tập trung. Đáng nói hơn nữa, việc xây dựng TC, QC hầu hết tập trung ở cơ quan nhà nước, chưa có sự tham gia của các tổ chức xã hội. “Một mặt, các đơn vị ban ngành cũng chưa coi trọng ý nghĩa của công tác xây dựng TC, QC, thường bố trí nhân sự chưa đúng, chưa đủ, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt khác, cơ chế định mức dành cho công tác TC, QC chưa khuyến khích được các tổ chứckhoa học công nghệ như các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức xã hội nghề nghiệptham gia xây dựng TC, QC. Vì vậy, việc xây dựng ban hành TC, QC thường chậm và không đảm bảo chất lượng”, Bà Thu phân tích nguyên nhân.

Để giải quyết các vấn đề trên, bà Nguyễn Giang Thu cho biết, sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ gắn trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị và có văn bản đề nghị các đơn vị phải bố trí một lãnh đạo và một chuyên viên phụ trách trực tiếp, để đôn đốc, quản lý sát sao.

Bên cạnh đó, cần có quy trình xã hội hóa để thu hút thêm nguồn lực tài chính và nhân lực cho việc xây dựng các TC, QC, bà Thu nhấn mạnh. Mà một trong những giải pháp trọng tâm là giao việc xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các viện trường đại học, hiệp hội, hội, doanh nghiệp thay cho việc giao cho các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT như hiện nay.