Một nhóm các nhà nghiên cứu Nhật Bản, làm việc với các đồng nghiệp từ Việt Nam, Campuchia, Singapore, Đài Loan, Indonesia và Ghana, đã tìm thấy bằng chứng về muỗi có khả năng kháng các loại thuốc diệt côn trùng ở cả Việt Nam và Campuchia.
Côn trùng như muỗi mang một loạt các bệnh truyền nhiễm, từ sốt xuất huyết và sốt vàng da đến vi rút Zika và sốt rét. Sốt xuất huyết là một trong những bệnh nguy hiểm nhất do loài muỗi gây ra, chủ yếu gặp tại nơi có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới điển hình như Việt Nam. Đây cũng là căn bệnh do muỗi gây ra có tốc độ lây lan nhanh nhất thế giới với 40% dân số toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh. Hàng năm, có khoảng 50 đến 100 triệu người mắc phải căn bệnh này.
Vì vậy, các nhà khoa học đã phát triển một loạt các hóa chất nhằm tiêu diệt hoặc xua đuổi muỗi, hầu hết chúng được gọi là pyrethroid và nhắm vào hệ thần kinh trung ương của muỗi. Trong nỗ lực mới này, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về việc muỗi ở Việt Nam và Campuchia tiến hóa để có sức đề kháng với pyrethroid.
Hình minh họa. Nguồn: Getty Images
Nhóm nghiên cứu đã đi thực địa và thu thập muỗi ở Việt Nam, Indonesia, Ghana. Sau đó, các nhà nghiên cứu đã thử phun permethrin vào từng mẫu muỗi thu được. Permethrin là một loại pyrethroid thường được sử dụng ở các nước nói trên. Họ phát hiện ra rằng chỉ 20% số muỗi được thu thập từ Việt Nam đã chết khi bị phun permethrin. Tỷ lệ tử vong ở muỗi lấy từ các khu vực khác vẫn đúng như dự đoán.
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã xem xét bộ gen của những con muỗi sống sót sau khi tiếp xúc với thuốc diệt côn trùng và tìm thấy một đột biến trong gen L982W - một gen có liên quan đến khả năng kháng thuốc ở muỗi. Sau đó, nhóm đã thu thập thêm nhiều mẫu, lần này là từ Singapore và Campuchia, rồi nghiên cứu gen của chúng, đặc biệt là gen L982W. Họ đã tìm thấy 10 chủng muỗi khác nhau nhưng đều mang các đột biến tương tự như những chủng muỗi kháng thuốc đã thấy ở Việt Nam, hầu hết chủng này đều ở Campuchia.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có tới 78% số muỗi trong các mẫu mà họ thu thập từ Campuchia hoặc Việt Nam có khả năng kháng pyrethroid - và những con có đột biến kháng pyrethroid được phát hiện có khả năng kháng thuốc cao hơn muỗi bình thường từ 50 đến 100 lần. Họ cũng tìm kiếm sự kết hợp của các đột biến có thể dẫn đến kháng thuốc, và phát hiện ra rằng nếu muỗi mang L982W và kết hợp thêm một số các đột biến khác, chúng có khả năng sống sót khi tiếp xúc với lượng pyrethroid gấp 500 đến 1.000 lần so với lượng giết được muỗi thông thường.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng các quốc gia khác nên bắt đầu phân tích khả năng kháng thuốc của muỗi để xác định mức độ nghiêm trọng thực sự của vấn đề. Công trình được công bố trên tạp chí Science Advances.
Nguồn: https://phys.org/news/2022-12-mosquitoes-highly-resistant-insecticides-vietnam.html
Phạm Nhật theo phys