Trong nghiên cứu công bố ngày 4/1, nghiên cứu sinh Christine Cave của Đại học quốc gia Australia đã đo độ mòn răng trong xương sọ của hàng trăm người cổ đại, được mai táng trong khoảng thời gian từ năm 475 đến năm 625, sau đó, so sánh kết quả đo được với độ mòn răng của người hiện đại để suy ra số tuổi vào thời điểm tử vong của những người này. Kết quả so sánh cho thấy nhiều người cổ đại đã sống qua tuổi 70.
Trong nhiều thập kỷ qua, giới khoa học đã đưa ra những nhận định rằng trong thời đại không có những loại thuốc hiện đại để chữa bệnh, con người khó có thể sống qua tuổi 40.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Cave nhấn mạnh đối với những người sống theo kiểu truyền thống không có thuốc tây hay chợ búa, tuổi thọ phổ biến nhất là khoảng 70, điều này giống nhau rất rõ ở tất cả các nền văn hóa khác nhau.
Theo bà, nhận định người cổ đại chỉ có tuổi thọ ngắn được đưa ra là do các nhà nghiên cứu không chắc chắn về cách xác định chính xác tuổi thọ của người cổ đại trưởng thành.
Khi xác định tuổi xương trẻ em, thường sử dụng những điểm có quá trình phát triển, như việc mọc răng hay sự phát triển của xương vốn giống nhau khi trẻ cùng lứa tuổi. Tuy nhiên, khi phân biệt tuổi xương của người đã trưởng thành hoàn toàn, những đặc điểm như trên sẽ khó để xác định chính xác tuổi của một người trưởng thành.
Đây cũng là điều lý giải độ tuổi xương cao nhất trong các nghiên cứu đến nay thường không vượt quá 40 hay 45 tuổi. Việc phân biệt giữa bộ xương một người 40 tuổi khỏe mạnh với một người 95 tuổi già yếu cũng khó để xác định với phương pháp cũ này.
Nhà nghiên cứu Cave hy vọng phát hiện mới của bà sẽ cho phép giới nghiên cứu và khảo cổ học có một cái nhìn chính xác hơn về đời sống xã hội trong quá khứ./.