Trong xu thế xanh hóa, các xe đạp điện đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Tuy nhiên xe điện của nhiều hãng đều sử dụng pin axit chì, vốn có nhược điểm chứa các kim loại nặng gây ô nhiễm môi trường.
Việt Nam hiện đang sử dụng hơn 80-90% pin nhập khẩu từ nước ngoài. Một số nơi quảng cáo đó là pin Lithium nhưng thực tế đó là pin axit chì vì pin Lithium giờ đây đã trở nên đắt đỏ.
“Đang có một khoảng trống rất lớn về công nghệ giữa pin axit chì và pin lithium. Loại pin chúng tôi nghiên cứu sẽ khỏa lấp khoảng trống ấy. Đây cũng là loại pin được sản xuất hoàn toàn nội địa", TS. Phạm Tùng Dương (Viện Vật lý kỹ thuật, ĐH Bách khoa Hà Nội), nói.
Battcom, công ty spin-off do anh sáng lập năm 2022, hiện có 40 nhân sự, một phòng thí nghiệm kiểm tra pin và một xưởng sản xuất pin ở Hải Dương.
Battcom đang sở hữu công nghệ pin kẽm ion không chỉ hứa hẹn khả năng khắc phục các nhược điểm của pin axit chì mà còn có mật độ năng lượng và tuổi thọ gấp đôi. So với pin lithium, pin kẽm ion có mức độ an toàn tuyệt đối, ít khan hiếm hơn và chi phí rẻ hơn.
Battcom cho biết, pin kẽm ion của mình có khả năng tái sử dụng và tái chế lên tới 90%. Pin chỉ sử dụng những thành phần kim loại thân thiện với môi trường như kẽm và mangan.
Mặc dù pin kẽm ion không phải là công nghệ quá mới trên thế giới nhưng TS. Dương khẳng định nhóm của anh là một trong những nhóm nghiên cứu đầu tiên có thể lắp được một hệ thống pin khối lớn (BESS - Battery Energy Storage System) có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
Các hệ thống pin kẽm ion dạng BASS của Battcom hiện có mật độ năng lượng khoảng 40-60 Wh/kg và có khả năng phóng nạp từ 500-1000 lần.
Tuy nhiên, điểm yếu của những hệ thống năng lượng dạng này thường nằm cố định ở một chỗ, không đòi hỏi mật độ năng lượng quá cao và có thể tùy nghi mở rộng thể tích. Do đó, để áp dụng công nghệ pin kẽm ion này cho cho xe điện hai bánh, Battcom cần phải tăng mật độ năng lượng (tới 80 Wh/kg), cải thiện hiệu suất và củng cố các yếu tố an toàn của pin khi được lắp vào thiết bị cơ động như xe đạp.
Để đạt được những yêu cầu mới thì từ nay đến cuối năm, Battcom sẽ cố gắng tinh chỉnh và tối ưu công nghệ của mình để phù hợp với nhu cầu và hiệu suất của xe điện.
Quá trình này dự kiến sẽ mất tối thiểu 6 tháng. Một nửa thời gian trong đó dùng để phát triển các mẫu thử (prototype) và nửa còn lại để thử nghiệm sản phẩm trên thực địa. Battcom sẽ xây dựng quy trình sản xuất pin trong phòng thí nghiệm, và tiến tới xây dựng quy trình sản xuất pin tại nhà xưởng để điều chỉnh theo nhu cầu của PEGA Bike.
Nếu thành công, PegaBike sẽ áp dụng các loại pin này vào những mẫu xe điện mới nhất của mình. Ông Đoàn Ngọc Linh, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của PEGA Bike cho biết, họ đang phát triển một dòng xe máy điện mới với hệ thống màn hình Smart điều khiển bằng giọng nói, giúp người lái xe biết được tình trạng pin, chỉ đường, xem thời tiết, thậm chí truy cập vào các ứng dụng khác theo thời gian thực. Phiên bản xe điện này đang được thử nghiệm trên thực địa trong tháng 7-9.
Được biết, PEGA Bike (trước đây là HK Bike) là thương hiệu Việt sản xuất dòng xe điện hai bánh đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2017, PEGA đã ra mắt dòng xe đầu tiên với tỷ lệ nội địa hoá đạt 85%.
Gia nhập thị trường chỉ với 1 showroom nhỏ có diện tích 50m2 tại Hà Nội, hiện nay PEGA Bike đã có hơn 250 showroom trên cả nước và hơn 500 đại lý cấp hai bán sản phẩm. Công ty này có 1 nhà máy lắp ráp rộng 10.000m2 ở Bắc Giang với công suất thiết kế đạt 50.000 xe/tháng.