Điều này được kỳ vọng góp phần tạo ra một hệ thống hậu cần thông minh cho các hãng hàng không và sân bay tại Việt Nam.
Ngày 8/7, Công ty đầu tư và phát triển công nghệ Bách Khoa Hà Nội (BK-Holdings) và công ty công nghệ
Urielsoft của Hàn Quốc đã ký kết hợp tác nghiên cứu, phát triển phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức và tài sản sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm, hậu cần, kho lưu trữ dữ liệu, hệ thống vận chuyển và công nghệ thông minh dùng trong lĩnh vực khai thác hàng không.
Thành lập năm 2006, Urielsoft đã phát triển nhiều hệ thống thông minh, bao gồm những phần mềm hậu cần, hệ thống hiển thị thông tin hàng hóa, hệ thống hiển thị thông tin chuyến bay, hệ thống xử lý thông tin hành khách sử dụng chung giữa hãng bay, sân bay và hải quan v.v. Doanh nghiệp này cũng phát triển các thiết bị phần cứng dành cho sân bay như cổng tự động và máy in thông tin.
Với các hệ thống và thiết bị này, Urielsoft đang giúp các hãng hàng không và nhân viên mặt đất xử lý nhiệm vụ nhanh hơn, trong khi hành khách có thể làm thủ tục trong môi trường dễ chịu hơn.
Từ năm 2021, Urielsoft có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều nước trên thế giới. Đại diện của Urielsoft cho biết, năm ngoái họ đã triển khai thành công hệ thống xử lý hành khách dùng chung (AirCUS) cho sân bay quốc tế Incheon (Hàn Quốc) – điều mà ít công ty trong nước làm được vì hiện nay hầu hết các sân bay của Hàn Quốc đều sử dụng phần mềm do công ty Âu Mỹ cung cấp.
Urielsoft cũng đã cung cấp hệ thống nhận diện một cổng e-BRG cho công ty KAC - đơn vị đang quản lý và vận hành 14 sân bay tại Hàn Quốc, bao gồm sân bay Gimpo, Gimhae và Jeju. Hệ thống e-BRG cho phép hành khách lên máy bay sau khi quét thẻ boarding pass của họ qua một cổng tự động được lắp đặt trước cửa lên máy bay.
Với việc hợp tác cùng BK Holdings, đại diện Urielsoft nói rằng họ sẽ cùng nhau tìm cách nội địa hóa các hệ thống IT cho phù hợp với đặc điểm của sân bay Việt Nam, và đồng đầu tư để phát triển những mô hình kinh doanh mới ở đây.
Quang Duy