Theo các chuyên gia, chuyển đổi số cho doanh nghiệp giờ đây là một xu thế tất yếu chứ không còn là một lựa chọn. Ở thời điểm này, nữ doanh nhân cần quyết đoán và dũng cảm để chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình.
Tại hội thảo Tư duy lãnh đạo số cho nữ doanh nhân do Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam phối hợp cùng dự án IPS-C và Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư đồng tổ chức, bà Cao Thị Ngọc Dung - Phó chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Việt Nam cho rằng, chuyển đổi phương thức và mô hình kinh doanh theo kinh tế số là xu thế tất yếu, chứ không còn là một lựa chọn.
Bà Chu Thị Thanh Hà và bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam tại hội thảo ngày 29/3/2022. Nguồn: Ảnh chụp màn hình
Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhiều hoạt động số hóa, rồi cao hơn là chuyển đổi số. Vì vậy, việc nắm bắt và thích nghi với những thay đổi này trở thành một trong những yếu tố sống còn cho các doanh nghiệp nói chung, cũng như với các doanh nghiệp do nữ làm chủ nói riêng để phục hồi nhanh chóng và phát triển bền vững.
Vẫn biết là như vậy nhưng theo bà bà Chu Thị Thanh Hà – Chủ tịch FPT Software, đặc tính giới cũng mang lại không ít khó khăn cho nữ doanh nhân trước yêu cầu chuyển đổi số.
Một thực tế tại FPT mà bà Hà phải đối mặt là khi giao việc các việc mới cho nữ giới, đa phần đều phản ứng “từ chối, kêu khó vì không làm được”. Sau khi thuyết phục chị em nhận công việc thì kết quả lại rất tốt.
“Đặc tính giới của phụ nữ là thường lo sợ, e ngại. Việc tạo động lực giúp chị em dũng cảm đối diện với thử thách của tư duy số rất quan trọng” – bà Chu Thị Thanh Hà nói.
Ở FPT, chuyển đổi số được chia thành 2 nhóm: tìm ra cách làm mới tốt hơn cách làm cũ và sáng tạo ra cách làm mới chưa từng có để tối ưu năng suất làm việc, chi phí, nguồn nhân lực. Bà Hà khuyên các nữ doanh nhân nên dũng cảm và quyết đoán về việc chuyển đổi số.
“Nữ doanh nhân cần tích lũy nhiều kiến thức hơn, gạt bỏ sự ngần ngại mà xông thẳng vào khó khăn. Phụ nữ thường hạn chế hơn nam giới ở kiến thức, tư duy về công nghệ nhưng lại làm tốt hơn ở mảng quản lý con người. Ở FPT, 63% quản lý dự án là nữ giới. Vì thế, chưa bao giờ nữ doanh nhân cần dũng cảm và táo bạo hơn như bây giờ, dũng cảm đi tới, chưa biết thì học hỏi” – bà Chu Thị Thanh Hà nói thêm.
Dưới sự lãnh đạo của bà Hà, FPT Software đã phát triển thành công sản phẩm akaBot giúp tự động hóa các quy trình kinh doanh. Không chỉ triển khai trong nội bộ FPT, akaBot còn được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp, ngân hàng. Theo chia sẻ của bà Hà, akaBot được ứng dụng trong 209 quy trình tự động của FPT, giúp tiết kiệm 2.400 giờ làm việc của nhân viên mỗi tháng.
Hay như khi Covid-19 khiến hoạt động đi lại, gặp gỡ khách hàng quốc tế bị đình trệ, FPT đã cho ra mắt Akaverse, cho phép tổ chức hội nghị khách hàng trực tuyến, đưa toàn bộ hoạt động hội thảo triển lãm lên môi trường online. Điều này giúp hoạt động kinh doanh của FPT không bị ngưng trệ. Các nữ doanh nhân, lãnh đạo của FPT vừa ở nhà chăm sóc gia đình vừa đảm bảo công việc. Bởi vậy, trong 2 năm COVID-19, 24% lao động nữ của FPT cho biết không bị giảm năng suất lao động, trong khi có tới 28% nam giới giảm năng suất lao động. Trong 5 năm trước khi xảy ra đại dịch, khả năng thăng tiến của phụ nữ ở FPT thấp hơn nhiều so với nam giới. 27% chị em phụ nữ không thăng tiến được trong khi con số này ở nam giới là 19%. Điều bất ngờ là chỉ trong 1 năm xảy ra đại dịch, chị em phụ nữ đã chứng tỏ được sự thích nghi, linh hoạt và có tới 12% chị em thăng tiến, trong khi nam giới chỉ có 10%.