Việc tìm thấy di cốt người cổ trưởng thành trong hang núi lửa ở Đăk Nông và phát hiện di tích tháp Chăm có niên đại thế kỉ IV là một trong những kết quả đáng chú ý nhất được công bố trong hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 54.
Diễn ra từ ngày 26-27/9, Hội nghị thông báo khảo cổ học lần thứ 54 do Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chủ trì là sự kiện thường niên của ngành khảo cổ học.
"Đây là dịp để các nhà khảo cổ học và các nhà khoa học trong các lĩnh vực liên quan cùng gặp gỡ, trao đổi thông tin về những phát hiện mới trong năm, mở ra cơ hội hợp tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của những di sản, đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học trẻ học hỏi kinh nghiệm từ những thế hệ đi trước", TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, nói.
TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu trong hội nghị. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quốc gia
Hội nghị năm nay nhận được 260 báo cáo tham luận, thuộc các lĩnh vực: khảo cổ học tiền sử, khảo cổ học lịch sử, khảo cổ học Champa – Óc Eo và khảo cổ học dưới nước, trong đó khảo cổ học lịch sử chiếm tỉ lệ lớn nhất (206) bài.
Tất cả các báo cáo đều công bố những kết quả nghiên cứu, phát hiện mới của ngành khảo cổ học trong năm qua, đáng chú ý nhất có phát hiện di cốt người cổ trưởng thành trong hang núi lửa ở Đăk Nông và di tích tháp Chăm có niên đại thế kỉ IV ở Phú Yên.
Việc phát hiện di cốt người cổ trưởng thành trong hang núi lửa là kết quả nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa các nhà khoa học ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) và Hội Khảo cổ học Việt Nam nhằm khai quật hang động núi lửa C6-1 ở Đăk Nông.
"Đây là lần đầu tiên phát hiện di cốt người cổ trưởng thành trong hang núi lửa ở Việt Nam, thậm chí là thế giới. Chúng tôi đã liên hệ với các đồng nghiệp nước ngoài ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc và Indonesia…, họ đều cho biết trên thế giới chưa từng phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa", PGS.TS. Nguyễn Lân Cường, Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam, nói. Những ngôi mộ được phát hiện có niên đại cách đây hơn 6.000 năm, táng thức theo văn hóa Hòa Bình: chôn người trong hang ở tư thế nằm co, bó gối, chôn theo công cụ và đồ trang sức, bồi rắc thổ hoàng.
Kết quả này không chỉ có ý nghĩa với các nhà khảo cổ học mà còn là bằng chứng quan trọng để các nhà nhân học nghiên cứu về chủng tộc người cổ sống ở Tây Nguyên – vấn đề trước nay chưa từng có lời giải đáp.
"Trong lần khai quật trước, chúng tôi cũng phát hiện di cốt trong hang động này nhưng là di cốt trẻ em nên đặc điểm chủng tộc không rõ ràng, không đủ bằng chứng để nghiên cứu", ông cho biết.
Một kết quả khác đã thay đổi nhận thức của các nhà nghiên cứu về Champa là phát hiện tháp Chăm có niên đại từ thế kỉ IV. Kết quả này mới được Bảo tàng Phú Yên và Viện Khảo cổ học Việt Nam công bố hồi tháng 7 sau khi khai quật di tích Đồng Miễu ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên.
"Đây là di tích đền tháp xây gạch Champa có niên đại sớm nhất được biết đến lần đầu tiên trong văn hóa Chăm xưa", TS. Nguyễn Tiến Đông, chủ trì dự án khai quật di tích Đồng Miễu nhận xét.
Kết quả nghiên cứu kiến trúc cho thấy lần xây tháp thứ nhất là vào thế kỉ thứ IV, sau đó được sửa chữa, xây lại vào thế kỉ thứ V.
"Phát hiện này hoàn toàn khác với nhận định từ trước đến nay của các nhà nghiên cứu, cho rằng lịch sử kiến trúc Champa bắt đầu từ thế kỉ VII", PGS.TS. Bùi Văn Liêm, Viện Khảo cổ học, nhận định.