Chính trị là đối tượng được loại ra ngoài việc kiểm duyệt trên một số nền tảng xã hội.
Ngày 24/9, tại hội nghị The Atlantic Festival, Facebook thông báo sẽ không xác thực thông tin (fact-checking) của các phát ngôn do chính trị gia đăng lên trang mạng xã hội này.
Thông thường, Facebook dựa vào các công cụ kiểm tra xác thực của bên thứ ba, bao gồm các tổ chức lớn chuyên đưa tin như AFP, để làm giảm tín nhiệm của những thông tin sai lệch có mục đích thao túng dư luận.
Nick Clegg, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề toàn cầu và truyền thông của Facebook, nói: “Chúng tôi không cho rằng mình có vai trò phù hợp làm trọng tài cho các tranh luận chính trị và ngăn phát biểu của chính trị gia tiếp cận công chúng của họ, cũng như là đối tượng cho các tranh luận và xem xét công khai.”
"Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ không gửi các nội dung tiếp cận tự nhiên hoặc quảng cáo của chính trị gia đến những bên đối tác thứ ba chuyên kiểm chứng thực tế”, ông Clegg cho biết.
Chỉ có hai trường hợp ngoại lệ: Quảng cáo trả tiền vẫn phải tuân theo các nguyên tắc của cộng đồng Facebook và các phát ngôn có tính chất kích động bạo lực. (Xem
toàn văn phát biểu)
Nhiều mối quan ngại đã tăng cao trước thềm cuộc bầu cử Mỹ sẽ diễn ra tháng 11/2020, sau khi có những tiết lộ về chiến dịch thông tin sai lệch trên diện rộng xuất hiện ở Facebook và nhiều nền tảng xã hội khác do phía Nga chỉ đạo trong cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Facebook đã thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan truyền thông để xác minh bài báo và bài đăng đáng ngờ. Dưới những nội dung bài viết được gắn nhãn “nghi ngờ” sẽ có phần thông tin nhận xét do các nhà báo đóng góp.
Clegg cho biết việc miễn trừ các bài diễn văn, phát biểu của chính trị gia là một phần trong chính sách của Facebook từ hơn một năm nay.
"Tuy nhiên, khi một chính trị gia chia sẻ nội dung đã được gỡ lỗi trước đó, bao gồm các đường links, video và hình ảnh, chúng tôi dự định sẽ hạ nội dung đó, hiển thị bằng các thông tin liên quan từ bên xác thực tin và từ chối đưa nó vào quảng cáo”, ông cho biết.
Trong tuyên bố của ông Clegg chưa đưa ra định nghĩa những ai được coi là "chính trị gia".
Clegg từng là phó thủ tướng Anh trong khoảng thời gian từ năm 2010-2015. Trong gần 1 năm trở lại đây, ông đã làm việc cho Facebook để giúp công ty khắc phục hình ảnh tai tiếng của họ sau vụ scandal chiến dịch truyền thông xã hội của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ.
Về phía mình, Facebook đang cố gắng khéo léo cân bằng giữa quyền tự do ngôn luận với các quy định điều tiết nội dung không phù hợp. Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đã thực hiện một số bước đi nhằm tăng tính minh bạch, đặc biệt khi đề cập đến quảng cáo chính trị.
Facebook đã nhận nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ đảng Dân chủ, những người tin rằng gã khổng lồ công nghệ đã trở nên quá quyền lực. Trong khi đó, đảng Cộng hòa, bao gồm cả Tổng thống Mỹ Donald Trump, thường xuyên cáo buộc mạng xã hội này kiểm duyệt các phát ngôn bảo thủ.
Youtube cũng có chính sách tương tự
Ngày 25/9, Giám đốc điều hành YouTube Susan Wojcicki cũng thông báo họ cho phép nội dung mà các chính trị gia đăng tải sẽ được giữ nguyên trên trang web chia sẻ video này, bất chấp việc nó có vi phạm tiêu chuẩn nội dung của Youtube. Trang web này hiện thuộc sở hữu của Google.
Bà Wojcicki phát biểu: “Khi một quan chức chính trị cung cấp thông tin thực sự quan trọng cho cử tri hoặc cho các nhà lãnh đạo toàn cầu khác, nội dung đó sẽ được để lại, bởi chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là cho người khác thấy được."
Phát ngôn viên của Youtube cho biết các chính trị gia sẽ không được đối xử khác biệt so với những người dùng khác và phải tuân thủ các nguyên tắc cộng đồng của nó, nhưng công ty sẽ miễn trừ cho một số bài phát biểu chính trị nếu họ coi chúng có bản chất giáo dục, tài liệu, khoa học hoặc nghệ thuật.
Đầu năm nay, Twitter đã tuyên bố sẽ dán nhãn và hạ cấp (nhưng không xóa) các nội dung đăng tải từ các chính trị gia vi phạm tiêu chuẩn của họ.
Trong vài năm nay, các chính sách xem xét và xóa nội dung đăng tải của nhiều công ty truyền thông xã hội đã bị chỉ trích, tấn công mạnh mẽ, đặc biệt khi những nội dung này ủng hộ góc nhìn đầy thù hận hoặc kích động bạo lực trong đời thực.
Vấn đề càng trở nên nan giải khi nó liên quan đến các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Tổng thống Donald Trump, người đã sử dụng ngôn ngữ áp đảo, bạo lực trong các bài đăng tải trên phương tiện truyền thông xã hội.
Nguồn: