Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng liên tục trong 27 năm qua nhưng đang có chiều hướng chững lại.


Tỉ lệ nghèo đa chiều cao nhất ở rơi vào khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long (9,6%). Ảnh: Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Nguồn: Zing.

Tài liệu báo cáo “Các chỉ số Phát triển con người: Cập nhật số liệu thống kê năm 2018 của Việt Nam” do UNDP thực hiện và công bố ngày 17/10/2018 cho thấy: Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng liên tục trong 27 năm qua nhưng đang có chiều hướng chững lại.

Về chỉ số HDI, Việt Nam hiện đang thuộc nhóm Trung bình cao, với chỉ số 0,694 trong năm 2017, đứng thứ 116 trên tổng số 189 quốc gia (tương tự với thứ bậc của năm 2016). Tuy nhiên, quá trình cải thiện HDI trong ba thập kỷ qua lại diễn ra không đồng đều. Từ 1980 đến 1990, chỉ số HDI tăng trung bình ở mức thấp 0,26%/năm, từ 1990 đến năm 2000 tăng tốc lên 2%/năm. Nhưng đến giai đoạn 2000 – 2008, HDI lại giảm xuống khoảng 1,35%/năm và giai đoạn sau đó tiếp tục xuống còn trung bình 0,94%/năm.

Bên cạnh đó, giá trị HDI của Việt Nam vẫn có xu hướng tụt lại so với các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 1990, giá trị HDI của Việt Nam thấp hơn 8,1% so với mức bình quân của khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, sau đó chênh lệch này cũng đã được thu hẹp xuống mức 4,7% vào năm 2008, nhưng đến 2017 đã lại giãn rộng thành 5.3%. Theo nhận định của UNDP, sự chênh lệch này là do các quốc gia khác trong khu vực ngày càng đạt được nhiều kết quả tiến bộ hơn trong phát triển con người, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Mặc dù chỉ số giáo dục của Việt Nam (vốn đóng góp 49.1% vào HDI) đã tiến bộ hơn nhưng chưa bao giờ thu hẹp được khoảng cách với các nước được so sánh. Trong bảng trên, giá trị chỉ số giáo dục của Việt Nam chỉ cao hơn Ấn Độ và Lào. Nguồn: Báo cáo.

Ngoài ra, chỉ số HDI giữa các vùng miền và các nhóm dân cư cũng có chênh lệch lớn. Chẳng hạn TP HCM và Đà Nẵng có HDI tương đương với các nước thuộc nhóm có chỉ số phát triển con người cao như Ba Lan và Croatia, trong khi Hà Giang và Gia Lai có HDI bằng với các nước thuộc nhóm Phát triển con người thấp như Ghana và Guatemala. Số liệu nghèo đa chiều cũng cho thấy chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm dân cư. Tỉ lệ nghèo đa chiều cao nhất ở rơi vào khu vực miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Cửu Long (9,6%), sau đó là Tây nguyên (9,4%). Tỉ lệ này của người Kinh là 6,4% so với 76,2% của người H’mông, 37,5% người Dao và 24% của người Khmer. Tỉ lệ nghèo đa chiều ở khu vực đô thị là 2,1% trong khi tỉ lệ ở khu vực nông thôn là 6,45%.