Tốc độ suy giảm được đánh giá là đã chậm lại nhưng sản lượng suy giảm vẫn ở mức cao. Nguyên nhân chính là do khai thác quá trữ lượng cho phép và sử dụng những phương thức khai thác tận diệt.
Đó là nhận định được đưa ra trong hội nghị “Bàn giải pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản theo Luật Thủy sản năm 2017” do Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ chức ngày 19/12.
Với một quốc gia có đường bờ biển dài hơn 3.000 km và hệ thống sông ngòi dày đặc, ngành thủy sản chiếm vai trò quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, một điều đáng quan tâm hiện nay là nguồn lợi thủy sản của Việt Nam đang trên đà suy giảm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trữ lượng nguồn lợi thủy sản của Việt Nam đã suy giảm từ 5,07 triệu tấn (2011-2015) xuống còn 4,36 triệu tấn (2016-2019). “Tốc độ suy giảm chậm hơn trước đây nhưng sản lượng suy giảm vẫn ở mức cao”, TS. Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hải sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận xét.
Toàn cảnh hội thảo. Nguồn: TTXVN
Việc khai thác quá trữ lượng cho phép, sử dụng những phương thức khai thác tận diệt là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên. “Tình trạng sử dụng các ngư cụ như lưới vây, giã cào hoặc các chất cấm như thuốc nổ, xung điện, hóa chất độc vẫn đang diễn ra phổ biến”, ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.
Trước tình trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai nhiều biện pháp, từ điều chỉnh cơ cấu tàu thuyền khai thác phù hợp với trữ lượng nguồn lợi thủy sản cho tới nghiên cứu các mô hình chuyển đổi nghề cho ngư dân, đồng thời kiểm soát các hoạt động làm suy giảm nguồn lợi,... Tuy nhiên, hiệu quả đem lại vẫn chưa cao, thậm chí theo ông Lê Trần Nguyên Hùng: “Thực trạng vi phạm càng ngày càng nhiều”.
Các địa phương như Bình Thuận, An Giang, Quảng Ninh... đều cho biết việc triển khai các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản gặp khó khăn chủ yếu do thiếu nguồn lực, bao gồm cả kinh phí và nhân lực.
“Vùng biển Quảng Ninh rộng hơn 2.600 hải lý vuông và hơn 10 huyện thị thành phố ven biển, nhưng thanh tra chuyên ngành thủy sản chỉ có hơn 20 cán bộ quản lý. Việc kiểm soát hoạt động của tàu thuyền trên biển luôn là thách thức lớn đối với cơ quan chức năng”, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh.
Để giải quyết vấn đề trên, ngoài việc ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, các đại biểu trong hội nghị cho rằng cần khuyến khích sự tham của cộng đồng. Trong bối cảnh thiếu nguồn lực, sự tham gia của cộng đồng không chỉ là nguồn hỗ trợ đắc lực mà còn phát huy hiệu quả trong một số trường hợp đặc biệt.
Chẳng hạn các địa phương cho biết trong quá trình tuần tra kiểm soát, khi phát hiện những đối tượng đánh bắt thủy sản trái phép, lực lượng chức năng truy đuổi thì đối tượng lẩn trốn vào những ngách nhỏ hẹp, kích thước của tàu kiểm ngư quá lớn nên không theo vào được. “Trong những trường hợp này, hỗ trợ của người dân là điều hết sức cần thiết”, ông Huỳnh Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, nhận xét.