Trong đó, nhóm hộ giàu nhất có số giờ làm việc trung bình một tuần cao hơn nhiều so với nhóm hộ nghèo nhất (43,5 giờ so với 25,8 giờ). Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng có số giờ làm việc bình quân cao nhất trong 6 vùng (44,2 giờ và 39,5 giờ).
Khảo sát được tiến hành trên gần 47 nghìn hộ ở hơn 3.132 xã/phường thuộc các vùng, khu vực trên khắp cả nước. Các điều tra viên đã phỏng vấn trực tiếp chủ hộ, các thành viên hộ và cán bộ chủ chốt của xã tại địa bàn khảo sát.
Kết quả khảo sát còn cho biết, người lao động tại Đông Nam Bộ không chỉ có số giờ làm việc nhiều nhất, mà đây cũng là vùng có thu thập bình quân đầu người cao nhất, hơn 6 triệu đồng/người/tháng - so với mức thu nhập bình quân cả nước năm 2020 theo giá hiện hành hơn 4,2 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, nhóm hộ giàu nhất (gồm 20% dân số giàu nhất ) có thu nhập bình quân đạt gần 9,2 triệu đồng, cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất).
Một tín hiệu vui là, trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,9%; trong khi thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 10,8%. Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng; ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản có xu hướng giảm dần, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.
Tiêu thụ tinh bột giảm, tiêu thụ thịt tăng
Bên cạnh những thông tin về thu nhập, Khảo sát mức sống dân cư Việt Nam còn cho thấy một số thông tin thú vị trong tình hình đời sống của người dân.
Khối lượng tiêu dùng lương thực, thực phẩm theo kết quả khảo sát cho thấy xu hướng rõ ràng là các hộ gia đình giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như việc lượng gạo tiêu thụ bình quân một người/tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg vào năm 2010 xuống chỉ còn 7,6 kg vào năm 2020. Thói quen ăn uống cho thấy, các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (8,5 so với 6,1 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm giàu nhất (9,1 so với 6,5 kg/người/tháng).
Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng vào năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng vào năm 2020. Lượng tiêu thụ rượu, bia cũng có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2010 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ rượu, bia của nhóm hộ gia đình giàu cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất.
Cách thức xử lý rác thải sinh hoạt của hộ gia đình có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng tăng dần tỷ lệ hộ có rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý (68,5%) và giảm dần tỷ lệ hộ tự xử lý bằng cách vứt rác bừa bãi ra ao, hồ, sông, suối, khu vực quanh nhà, chôn lấp hoặc đốt (31,5%). Tuy nhiên, tỷ lệ tự xử lý rác vẫn còn ở mức rất cao, gây ô nhiễm môi trường sống, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, các vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tỷ lệ hộ mua sắm đồ dùng lâu bền (tivi, xe máy, tủ lạnh, ô tô, điều hoà, máy giặt v.v) trong năm 2020 chỉ có 34,4%, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (tỷ lệ này cao nhất vào năm 2010 là 48,4%). Xu hướng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm có thể là một chiến lược tiết kiệm của các hộ gia đình nhằm ứng phó với COVID-19.
Đáng chú ý, dữ liệu cho thấy, các hộ gia đình trong ngành dịch vụ có số ô tô tính trên 100 hộ cao nhất trong số các nhóm ngành. Cứ 100 hộ trong ngành này thì có 9,9 chiếc ô tô. Ngược lại, cứ 100 hộ làm nông nghiệp mới có 1 chiếc ô tô.