Chiều 14/12, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề Chia sẻ và Kết nối. Đây là hoạt động nhằm đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn, thịnh vượng, nhân văn và rộng khắp.
Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại Du lịch Hà Nội phối hợp tổ chức trong hai ngày 14 và 15/12 với sự tham gia của hơn 2.000 đại biểu trực tiếp và hơn 10.000 khán giả theo dõi trực tuyến. Riêng phiên khai mạc có sự tham dự của hơn 700 đại biểu trong và ngoài nước.
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nhấn mạnh, chuyển đổi số là sự dịch chuyển chưa từng có tiền lệ, bởi vậy nhận thức đóng vai trò vô cùng quan trọng và để có thể đi một chặng đường dài, tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân… phải đi cùng nhau.
Trong đó, theo ông Dũng, các doanh nghiệp phát huy vai trò như lực lượng chủ
lực phát triển các hạ tầng, nền tảng; cung cấp dịch vụ, tư vấn, giải
pháp; đi từ ứng dụng đến làm chủ một số công nghệ lõi. Về phần mình, với tư cách
là đơn vị quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông đang đảm nhận vai trò
kiểm tra, đánh giá và giới thiệu các nền tảng số - giải pháp đột phá để
thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Ông Dũng
cho biết, hằng tuần, Bộ Thông tin và Truyền thông đều tổ chức ra mắt một
nền tảng số Make in Việt Nam.
Chuyển đổi số
chỉ thành công nếu toàn dân tham gia - ông Dũng nhận định. Bởi vậy, để đo xem mỗi cơ quan, tổ
chức đã đi bao xa trên hành trình đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã
ban hành bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số của các cơ quan, tổ
chức nhà nước nước trong năm 2020 và sẽ tiếp tục ban hành bộ chỉ số
tương tự cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch VINASA - đánh giá quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam mới đang ở những bước khởi đầu nên có rất nhiều băn khoăn được đặt ra như chuyển đổi số sẽ bắt đầu từ đâu, như thế nào, nguồn lực cần chuẩn bị ra sao và phải làm gì để đẩy nhanh quá trình. Để trả lời những câu hỏi này, cách duy nhất là chúng ta phải hành động cùng nhau và khai thác tối đa sức mạnh của những tiến bộ công nghệ - ông Bình nói.
Còn theo ông Nguyễn Hùng Sơn - CEO của Công ty CP Đầu tư thương mại và Phát triển công nghệ FSI, các tổ chức sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh lớn nếu
biết tận dụng những thế mạnh của công nghệ trong kỷ nguyên số. Ông cũng chỉ ra 4 yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp - đó là Nhận thức, Nền tảng công nghệ, Hạ tầng số dữ liệu, và Nhân lực. Từ thực tế triển khai số hóa, chuyển đổi số cho nhiều khách hàng là các bộ, ban ngành cũng như các tập đoàn lớn trong nước, vị CEO của FSI lưu ý, dữ liệu - nguồn tài nguyên được đánh giá quý như dầu mỏ trong nền kinh tế số - hiện vẫn chưa được các doanh nghiệp quản lý hiệu quả.
Trong phiên khai mạc, các diễn giả còn có những bài trình bày
như: Định hướng, kết quả đạt được và các chính sách thúc đẩy sáng tạo
của Hàn Quốc trong cách mạng 4.0; Chính sách chuyển đổi số các ngành
công nghiệp và hạ tầng mới của Trung Quốc; Chính sách phát triển kinh tế
số của Malaysia; Chương trình 5G của New Zeland...
Ngày mai,
15/12, Chương trình sẽ tiếp tục với các hội nghị chuyên đề xoay quanh việc
chuyển đổi số trong 6 ngành/lĩnh vực trọng điểm: Nông nghiệp, Y tế,
Logistics, Tài chính - Ngân hàng, Sản xuất công nghiệp, và Doanh nghiệp
nhỏ và vừa. Bên cạnh các báo cáo và bài phát biểu chính, Ngày Chuyển đổi
số còn có hoạt động triển lãm các giải pháp chuyển đổi số, kết nối cung
cầu, và tư vấn về chuyển đổi số dành cho các bên quan tâm.
- Theo khảo sát của Bộ Công Thương và UNDP thực hiện năm 2019 với 2.659 doanh nghiệp thuộc 18 nhóm ngành công nghiệp về độ sẵn sàng tiếp cận với Cách mạng cách mạng lần thứ 4, có tới 82% các doanh nghiệp đang ở vị trí mới nhập cuộc, 61% còn đứng ngoài cuộc và 21% doanh nghiệp mới bắt đầu “nhập cuộc”.
- Theo báo
cáo của Cisco (2019), Việt Nam đang ở mức trung bình về độ sẵn sàng cho số hóa, xếp vị trí 70/141 quốc gia với 12,06/25 điểm.
- Theo
Temasek, Bain&Company (2019), Kinh tế số của Việt
Nam dự kiến vượt 43 tỷ USD vào năm 2025, với các lĩnh vực tăng trưởng nóng nhất gồm thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, và gọi xe công nghệ.
- Theo khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020, 4 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; Cách thức chuyển đổi số phù hợp; và Bảo mật an toàn thông tin. |