Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tại Hội nghị Thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Tổ chức Năng suất Châu Á
(APO) trong lĩnh vực năng suất, do Việt Nam chủ trì và tổ chức tại Hà Nội.
Diễn ra trong chiều 10/12 và ngày 11/12, Hội nghị là nơi kết nối và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa ASEAN và APO, qua đó tạo điều kiện để các bên trao đổi cụ thể về các nội dung và cách thức hợp tác, cũng như đề xuất các giải pháp thúc đẩy năng suất và hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Hội nghị cũng là một trong các sự kiện triển khai sáng kiến của Việt Nam (do Bộ KH&CN chủ trì đề xuất) trong việc xây dựng lộ trình, giải pháp nhằm tiếp cận, thúc đẩy sản xuất thông minh cho các quốc gia ASEAN trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2020.
Trong ngày làm việc thứ hai, 11/12, các đại biểu trong và ngoài nước - gồm đại diện các bộ, ngành, tổ chức quốc tế, trường đại học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp,... - sẽ tham gia góp ý cho dự thảo bản lộ trình. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam nắm bắt các ý tưởng mới, các xu thế phát triển của thế giới và khu vực trong vấn đề chuyển đổi số, sản xuất thông minh và thúc đẩy năng suất dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhận định, tác động của cuộc CMCN 4.0 và đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thay đổi chưa từng có tiền lệ, đặt tất cả các quốc gia trước thách thức của việc phải luôn đổi mới các phương thức quản trị và hệ thống điều hành để thích ứng với trạng thái bình thường mới. Trong bối cảnh đó, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, đặc biệt trong việc giúp các Chính phủ thực hiện mục tiêu kép vừa bảo đảm phòng chống dịch bệnh, vừa nhanh chóng phục hồi kinh tế.
Ông cho biết, tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh vai trò của ASEAN trong góp phần tái định hình thế giới sau Covid-19 và điều chỉnh chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu. Để làm được điều đó, lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học và công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, tầm nhìn và Chiến lược mới đến năm 2025 của APO cũng xác định mục tiêu thúc đẩy quá trình tăng trưởng năng suất toàn diện, dựa trên động lực đổi mới sáng tạo trong toàn khu vực châu Á đến năm 2025.
“Thông điệp chung đó đặt trong bối cảnh khu vực và quốc tế càng cho thấy sự phù hợp và đúng thời điểm của sáng kiến hợp tác giữa ASEAN và APO về năng suất hôm nay, cho phép chúng ta khai thác các cơ hội mới, lĩnh vực và phương thức hợp tác mới với các chương trình, dự án cụ thể có thể mang lại hiệu quả và tác động lớn, giúp các nền kinh tế thành viên trở nên năng suất hơn, cạnh tranh hơn, và có khả năng chống chịu tốt hơn trước các thách thức và biến động khó lường của thế giới hiện đại”, ông Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh.
Bộ trưởng cho rằng, đối với các doanh nghiệp - đặc biệt là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - tăng cường năng suất và công nghệ là chìa khóa để hội nhập và kết nối thành công vào mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia trong khu vực và chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi vậy, ông nhấn mạnh, cần có nhiều hơn nữa các giải pháp thông minh, sáng tạo, thực tiễn và kịp thời để nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ.