Trong năm thứ 5 công bố danh sách 100 doanh nghiệp đi đầu thực hiện phát triển bền vững, số doanh nghiệp nội xuất hiện trong top sáng kiến ngành đã ngang ngửa hoặc vượt xa các tập đoàn quốc tế ở Việt Nam.


Các doanh nghiệp bền vững tiêu biểu của Việt Nam | Ảnh: BTC
Các doanh nghiệp bền vững tiêu biểu của Việt Nam | Ảnh: BTC

Tối 10/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) tổ chức công bố danh sách 100 doanh nghiệp đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2020 (CSI 2020). Danh sách này được chọn ra từ hơn 500 doanh nghiệp vòng sơ khảo.

"10 năm trước, khi Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững được thành lập, không nhiều doanh nghiệp nói về điều này”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết, "Giờ đây, phát triển bền vững chính là giấy thông hành để doanh nghiệp đi vào thị trường thế giới và căn cước của một công dân có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp đã xác định rõ con đường phải đi, đã cam kết thực thi trong doanh nghiệp, từ cấp lãnh đạo đến từng cá nhân người lao động."

Đây là năm thứ 5 Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam được triển khai. Điều đáng nói, so với các năm trước, chủ yếu dẫn đầu là các tập đoàn quốc tế có mặt tại Việt Nam, năm nay có nhiều doanh nghiệp nội hơn xuất hiện trong top sáng kiến ngành. Chẳng hạn, trong "Top 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất" trao cho các sáng kiến sản xuất có trách nhiệm dựa trên tiêu chí đóng góp các giá trị cho cộng đồng, áp dụng kinh tế tuần hoàn, giảm chất thải và phát thải, duy trì việc làm cho người lao động, có 5/10 doanh nghiệp nội địa xuất hiện là Vinamilk, May 10, TNG, cao su Dầu Tiếng, và cao su Bến Thành.

9/10 doanh nghiệp nội địa xuất hiện tại "Top 10 doanh nghiệp trong lĩnh vực Thương mại - Dịch vụ" bao gồm: Công ty dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO), Công ty PNJ, Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova, Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng SeABank, Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Ngân hàng HD Bank, Tập đoàn Hưng Thịnh. Các công ty này được lựa chọn dựa trên tiêu chí về đầu tư bền vững, tài chính xanh, cơ chế đầu tư có trách nhiệm và quan hệ hợp tác công tư.

Trong "Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam" năm nay có khoảng 70% doanh nghiệp nội địa, theo thống kê của Báo KH&PT.

Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (Bộ chỉ số CSI) do Việt Nam xây dựng, bao gồm 127 chỉ số ở 4 lĩnh vực: Chỉ số Kết quả phát triển bền vững, Chỉ số Quản trị; Chỉ số Môi trường và Chỉ số Lao động.

CSI 2020 đã được nghiên cứu, cập nhật nhiều điểm mới để phù hợp với những yêu cầu từ các Hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam đã ký kết gần đây (như CPTPP – Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, EVFTA – Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU), cũng như các thay đổi quan trọng trong các chính sách quản lý về lao động và môi trường có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến 17 mục tiêu phát triển bền vững và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được đơn giản hóa và lồng ghép vào Bộ chỉ số CSI 2020.

Thông qua việc cung cấp thông tin theo Bộ Chỉ số CSI, doanh nghiệp có thể hệ thống các thông tin về quản trị doanh nghiệp bao gồm quy trình, cách thức tổ chức quản lý, sản xuất, hiệu quả hoạt động, các quy định và văn bản pháp luật cần tuân thủ, từ đó có thể cải thiện và phát huy chiến lược phát triển bền vững. Doanh nghiệp có thể tiếp cận bộ chỉ số này thông qua website của VBCSD.

Xem danh sách đầy đủ 100 doanh nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam năm 2020 trong lễ tôn vinh: